Đối thoại chủ đề “Đầu tư tác động châu Á”

Cập nhật: 04-12-2023 | 15:40:39

(BDO) Ngày 4-12, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm tỉnh Bình Dương diễn ra phiên đối thoại với chủ đề “Đầu tư tác động châu Á” trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023. Diễn giả Marko Kasic, Người sáng lập FundLife International (Philippines) điều hành phiên đối thoại.


Toàn cảnh phiên họp đối thoại với chủ đề “Đầu tư tác động châu Á”

Tại phiên họp, các diễn giả thảo luận về vấn đề khi các công ty châu Á dần lớn mạnh và tiếp cận thị trường tài chính để tái cấp vốn sẽ có cơ hội cho các nhà đầu tư tác động. Theo các diễn giả, cần phải có những chiến lược, giải pháp cho các vấn đề như: Làm thế nào để tạo ra giá trị ổn định và bền vững; đầu tư tác động có thể thay đổi kết cấu kinh tế và xã hội của châu Á như thế nào; làm thế nào để truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư chuyển từ lý thuyết sang thực hành thúc đẩy cơ hội hành động…

Chia sẻ vấn đề làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Diễn giả Marko Kasic cho biết hầu hết các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tốt. Theo ông, các doanh nhân ở Việt Nam phải hiểu vấn đề của mình và họ có thể chứng minh sự cần thiết cấp bách của vấn đề đó, đặc biệt nếu họ đang xem xét về đầu tư tác động. Ông nhấn mạnh, hầu hết các nhà đầu tư đều muốn thấy một số lợi tức rõ ràng từ số vốn họ bỏ ra, nhưng họ cũng muốn thấy các lợi tức từ tác động tích cực đến xã hội. Vì vậy, các nhà đầu tư cần có một giải pháp tốt và sau đó đưa ra một hoặc nhiều nghiên cứu điển hình mang tính thuyết phục rõ ràng về lý do tại sao họ nên đầu tư vào Việt Nam.

 Thực tế, các nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến các thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam có rất nhiều cơ hội tăng trưởng, là một đất nước đang phát triển. Ông đánh giá Việt Nam là một thị trường nhiều triển vọng.



Các diễn giả thảo luận tại phiên đối thoại

Cũng theo ông Marko Kasic, để công ty khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư tài trợ, họ cần tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, cần đưa ra những đề xuất, kế hoạch hấp dẫn. Vì vậy, giống như bất kỳ doanh nghiệp nào, họ cần có đề xuất và cần đến gặp các tổ chức phù hợp. Ví dụ như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Quỹ Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). 

Theo ông Tadahiro Kaneko, Phó Giám đốc Phát triển bền vững, Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (Nhật Bản), để thực sự mở rộng đầu tư tác động, việc thiết lập một khuôn khổ phù hợp cho các KPI (chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động) là rất quan trọng và tất cả khuôn khổ để đo lường tác động cần phải được hỗ trợ bởi cơ sở khoa học và đánh giá của bên thứ ba. Vì vậy, các tổ chức tài chính của Nhật Bản đã và đang cố gắng tiếp tục thiết lập một khuôn khổ tiêu chuẩn và mang tính thuyết phục để đo lường các tác động. Để tạo ra giá trị bền vững, theo ông Tadahiro Kaneko, điều rất quan trọng là phải đưa ra các KPI đáng tin cậy và có thể đo lường được, bên cạnh lợi nhuận bằng tiền mặt.

Tin, ảnh: Phương Lê

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=241
Quay lên trên