Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ diễn ra trong 3 đợt. Đợt 1, ngày 4 và 5-7, TS thi ĐH khối A, A1 và V. TS thi khối V, sau khi dự thi môn toán, lý, thi tiếp năng khiếu vẽ đến hết ngày 11-7.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ diễn ra trong 3 đợt. Đợt 1, ngày 4 và 5-7, TS thi ĐH khối A, A1 và V. TS thi khối V, sau khi dự thi môn toán, lý, thi tiếp năng khiếu vẽ đến hết ngày 11-7. Đợt 2, ngày 9 và 10-7, TS thi ĐH khối B, C, D và các khối năng khiếu. TS thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi môn ngữ văn theo đề thi khối C; khối M thi môn ngữ văn, toán theo đề thi khối D; khối T thi môn sinh, toán theo đề thi khối B; khối R thi môn ngữ văn, lịch sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến hết ngày 13-7 (trừ 10 trường tổ chức thi tuyển sinh riêng theo Quyết định số 102/QĐ- BGDĐT ngày 8-1-2013 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về Đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật). Đợt 3, ngày 15 và 16-7, TS thi CĐ tất cả các khối thi. TS thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa, thi tiếp các môn năng khiếu đến ngày 21-7.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đến nay các hội đồng thi trên cả nước đã đón TS đến làm thủ tục và dự thi. Các bộ, ngành và địa phương cũng đã có kế hoạch và triển khai các phương án hỗ trợ cho kỳ thi diễn ra suôn sẻ. Trước đó nhiều ngày, các đội thanh niên, sinh viên tình nguyện đã ra quân giúp đỡ, hướng dẫn đường đến trường thi, nơi ăn, ở cho TS và người thân từ các địa phương lên thành phố dự thi. Tất cả cho một mùa thi tốt đẹp.
Điều đáng mừng đối với TS là theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 phải đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của TS trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Đề thi tuyển sinh không quá khó, quá phức tạp, không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra vào những phần giảm tải, cắt bỏ, không đánh đố TS.
Riêng đối với đề thi các môn xã hội, việc ra đề thi theo hướng mở trong những năm gần đây được xã hội hoan nghênh và năm nay cũng sẽ được bộ tiếp tục áp dụng. Điều này sẽ góp phần điều chỉnh dần cách dạy, cách học ở bậc phổ thông. Cách học vẹt, học thuộc lòng... sẽ không còn phù hợp với cách ra đề thi mới. Do tính chất và yêu cầu của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ, đề thi sẽ có những phần dễ để TS có học lực trung bình có thể làm được, có những phần tương đối khó dành cho TS khá và có những câu khó dành cho những TS giỏi và xuất sắc.
Năm nay là năm thứ hai Bộ GD-ĐT cũng cho phép ngoài bút, mực, compa, thước kẻ, máy tính bỏ túi trong danh mục quy định... để phục vụ cho việc làm bài, TS được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát âm, phát hình tại chỗ, không truyền được thông tin ra ngoài (không có loa, tai nghe, không có màn hình hiển thị thông tin, không có 3G, 4G, Wifi, Bluetooth...) kể cả nhằm mục tiêu tố cáo gian lận thi cử…
Trước khi các sĩ tử bước vào cuộc chiến thi cử đầy cam go, thử thách của cả cuộc đời học sinh này, lời khuyên của những người đi trước là: TS hãy giữ gìn sức khỏe, nhất là TS từ các địa phương xa lên thành phố, điều kiện sinh hoạt thay đổi. Khi vào phòng thi, TS phải lưu ý chỉ mang những vật dụng được phép theo quy chế; khi làm bài nên tìm những câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Các câu dễ có thể phân bố rải rác trong đề thi vì vậy TS cần lướt qua đề thi để làm trước. Gia đình, nhà trường và xã hội luôn đồng hành cùng các em, mong các
em bình tĩnh, tự tin và quyết tâm để đạt kết quả cao nhất.
VÕ HƯƠNG