Sau đại dịch Covid-19, với những chủ trương sát hợp, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn mạnh mẽ, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” của chính quyền, đặc biệt là thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, trong năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN tại Bình Dương đã phục hồi trở lại và duy trì khá ổn định. Các DN đã nỗ lực vượt khó, “biến nguy thành cơ”, tiếp tục có những bước phát triển mới.
Có thể nói, vai trò đồng hành của chính quyền tỉnh đối với cộng đồng DN tại địa phương được thể hiện rõ nét trong bối cảnh hậu Covid-19. Cùng với việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền tỉnh đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Điều này được minh chứng bằng các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI), Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Cải cách hành chính (PAR INDEX)…của Bình Dương thời gian qua được cải thiện mạnh mẽ, nâng cao về thứ hạng. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để cộng đồng DN trong tỉnh vượt khó, vươn lên.
Tuy vậy, trong quý III và đầu quý IV, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến tiêu cực. Đó là lạm phát tăng cao ở nhiều nước khiến cho thị trường xuất khẩu của DN bị ảnh hưởng lớn, khó khăn trong tìm kiếm các đơn hàng. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, room tín dụng hạn hẹp… đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Trong bối cảnh khó khăn mới, để các DN có thể hoàn thành thắng lợi mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong năm 2022 và những năm tiếp theo, vai trò đồng hành của chính quyền là đặc biệt quan trọng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh, vấn đề đặt ra với chính quyền là đồng hành với cộng đồng DN trong chuyển đổi số, cụ thể là xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cung cấp hạ tầng về kỹ thuật số đồng bộ, các dịch vụ công trực tuyến được thực hiện một cách tối đa là một vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay. Bởi, một khi DN có điều kiện để chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ giúp hiện đại hóa sản xuất, giảm thiểu chi phí, tăng cơ hội tìm kiếm đối tác, thị trường, đơn hàng…
Do đó, tạo bước đột phá về chuyển đổi số sẽ là “cú hích” để DN có thêm lực đẩy để vượt qua những khó khăn, tiếp tục vươn lên phát triển bền vững theo xu hướng đổi mới, sáng tạo trong thời đại công nghiệp 4.0.
ĐÀM THANH