Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị vừa ban hành có nhiều vấn đề được đề cập với những mục tiêu cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam bộ, phát huy vai trò vị thế của vùng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Nghị quyết 24 cũng đã đề cập đến sự cần thiết phải đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết nội, ngoại vùng để làm “đòn bẩy”, thúc đẩy phát triển.
Rõ ràng, những tồn tại, bất cập, “điểm nghẽn” về giao thông Vùng Đông Nam bộ - vùng kinh tế phát triển năng động bậc nhất cả nước đã được nhìn thấy. Từ đó, các địa phương có phương án đầu tư để vùng này có một hệ thống giao thông đủ “mạnh” nhằm đủ sức “gánh vác” nhiệm vụ quan trọng trong nền kinh tế - xã hội, không chỉ nội vùng mà là cả khu vực miền Nam, phần nào đó là cả miền Trung - Tây nguyên.
Bình Dương, từ nhiều năm qua với sức phát triển mạnh của nền kinh tế, đặc biệt là sự tăng trưởng nhanh của kinh tế công nghiệp, dịch vụ, đồng thời cũng là địa bàn trung chuyển hàng hóa rất lớn của các tỉnh thành lân cận, đã tạo nên áp lực rất lớn về hạ tầng giao thông. Không đợi đến thời điểm hiện tại, bằng tầm nhìn chiến lược, với nguồn lực ngân sách và của các doanh nghiệp mạnh trên địa bàn, từ nhiều năm trước Bình Dương đã đầu tư, xây dựng nên một hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại để đủ sức “chuyên chở” nền kinh tế địa phương và của các tỉnh, thành bạn.
Dẫu vậy, hệ thống giao thông của Bình Dương hiện tại đã phần nào quá tải. Cùng với đó để đáp ứng nhu cầu phát triển tốc độ cao, bền vững trong chặng đường mới, Bình Dương tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hiện đại hóa hạ tầng giao thông. Ngoài việc hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường “xương sống” Mỹ Phước - Tân Vạn, Bình Dương đã và đang đẩy nhanh tiến độ công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Bình Dương cũng đã khởi công hai công trình kết nối quan trọng, đó là cầu, đường nối với Tây Ninh và cầu Bạch Đằng 2 nối Đồng Nai với tổng vốn đầu tư cả ngàn tỷ đồng.
Tháng 4-2022, Bình Dương cũng đã khởi công công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 với số vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Không riêng những công trình giao thông vừa đề cập, hiện tại Bình Dương đã và đang đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh nhà để nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Từ giao thông đối nội đến đối ngoại, Bình Dương đã và đang nỗ lực cao độ để hoàn thiện, kết nối nhằm đóng góp cho sự phát triển chung của cả vùng và cả nước.
TRIỆU PHONG