Bài toán định biên

Cập nhật: 25-10-2022 | 21:30:42

Thống kê của Bộ Nội vụ, hết năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Theo Bộ Tài chính, qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017-2021 đã giảm chi ngân sách Nhà nước được 25.000 tỷ đồng. Tinh giản biên chế đã tạo bước đột phá quan trọng, giúp cho bộ máy giảm cồng kềnh và giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, bên cạnh đó đã bộc lộ những bất cập trong thực tế do tính đặc thù giữa các địa phương, vùng miền khác nhau, dẫn đến quá tải, tạo áp lực cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức.

 Về vấn đề này, theo PGS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia thì vẫn còn tình trạng cào bằng giữa các địa phương, đơn vị trong chỉ tiêu tinh giản biên chế, dẫn đến một số đơn vị, địa phương khối lượng công việc lớn nhưng vẫn phải cắt giảm theo tỷ lệ chung. Tại Bình Dương, tổng số biên chế công chức cấp tỉnh, huyện được Chính phủ giao năm 2015 là 1.986 biên chế, năm 2022 còn 1.711 biên chế (tinh giản 10% biên chế theo quy định). Tuy nhiên, so với biên chế được HĐND tỉnh phê duyệt năm 2015 là 2.629 biên chế, năm 2022 còn 1.780 biên chế, như vậy tỉnh đã tinh giản 849 biên chế (tỷ lệ 32,29%)...

 Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nội vụ và đoàn công tác của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đến khảo sát tại Bình Dương, đại diện các sở ngành, địa phương trong tỉnh đã nêu lên những khó khăn bất cập liên quan vấn đề định biên. Đơn cử, một số phường ở Bình Dương như: Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa (TP.Thuận An); Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một)… có dân số tương đương một huyện ở các tỉnh, thành khác trong cả nước. Trong khi đó, Bình Dương đóng góp ngân sách nằm trong TOP 5, dân số cơ học lại tăng nhanh, phát sinh nhiều giao dịch nhưng số lượng biên chế quá thấp, công việc xử lý đòi hỏi phải nhanh, chính xác đã tạo áp lực rất lớn cho lực lượng cán bộ, công chức. Từ thực tế đó, đại diện các sở ngành, địa phương của tỉnh đã đề xuất và kiến nghị Trung ương xem xét có cơ chế chính sách đặc thù về biên chế đối với các địa phương có dân số đông, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh như Bình Dương. Việc phân bổ chỉ tiêu biên chế phải dựa trên tiêu chí dân số, khối lượng công việc, nhiệm vụ được giao, tốc độ phát triển của tỉnh, sự đóng góp của địa phương đối với quốc gia...

Thời gian qua, Bình Dương đã rất nỗ lực giải quyết bài toán vừa thực hiện mục tiêu giảm biên chế, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu quả tinh gọn để đáp ứng được hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, đơn vị sự nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, là địa phương có những đặc thù như đã nói trên thì bài toán định biên cần phải được giải theo một hướng phù hợp hơn, có như thế mới đáp ứng yêu cầu thực tế diễn ra trong quá trình phát triển của tỉnh.

 K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên