Làm gì để ổn định thị trường xăng dầu?

Cập nhật: 25-10-2022 | 08:11:11

Cách đây khoảng 2 tuần, các tỉnh phía Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đã trải qua một cuộc “khủng hoảng” thiếu xăng dầu. Hàng loạt cửa hàng xăng dầu đóng cửa, hoặc chỉ bán tối đa 30.000 - 50.000 đồng/xe máy và 200.000 - 300.000 đồng/ô tô. Người dân phải “rồng rắn” xếp hàng để chờ được đổ xăng. Tình trạng này lại tái diễn trong vài ngày nay, mặc dù trong kỳ điều hành ngày 21-10 vừa qua, giá xăng đã được điều chỉnh tăng.

Giải thích về tình trạng cửa hàng xăng dầu nghỉ bán hoặc bán cầm chừng, Bộ Công thương cho đây là hiện tượng không phổ biến. Nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng cửa là do chi phí kinh doanh tăng mạnh và thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng nên chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định. Phía ngành hải quan cũng cho biết trong quý III, sản lượng xăng nhập khẩu giảm 40% và 35% đối với dầu so với quý II, trong đó chỉ hơn một nửa trong tổng số 33 thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Như vậy, nguyên nhân thiếu xăng dầu tại một số đại lý, cửa hàng có thể do sản lượng xăng dầu nhập khẩu và lượng tồn kho giảm. Trước tình hình trên, Bộ Công thương đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu ở mức phù hợp với thực tế, đồng thời phối hợp với các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp xăng dầu có phương án bảo đảm nguồn, duy trì cung ứng trong hệ thống.

Thiết nghĩ, việc điều hành giá xăng dầu phải bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ, găm hàng. Đồng thời, bộ ngành chức năng chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn xăng dầu, tăng cường cung ứng mặt hàng này tại một số địa phương có hiện tượng thiếu cục bộ. Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm theo quy định.

Việc bảo đảm cung ứng xăng dầu, bình ổn thị trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là trách nhiệm chính của liên Bộ Công thương - Tài chính. Vì vậy, liên Bộ Tài chính - Công thương cần đánh giá và làm rõ nguyên nhân khó khăn về nguồn hàng, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu để có giải pháp phù hợp, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống góp phần ổn định thị trường xăng dầu.

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=261
Quay lên trên