Kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển

Cập nhật: 22-10-2022 | 05:02:52

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt vấn đề ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường Vành đai TP.Hồ Chí Minh, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không đầu mối của khu vực.

 Cùng với đó, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thủy chính của vùng...; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2026 hoàn thành đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đến năm 2030 hoàn thành đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hàng loạt công trình giao thông theo quy hoạch đã được duyệt nhằm kết nối các tỉnh, thành không chỉ trong vùng Đông Nam bộ mà bao gồm cả khu vực miền Nam.

Với những nội dung nghị quyết đã đề cập, trong đó có hạ tầng giao thông đã cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối của hệ thống giao thông vùng, bao gồm cả đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không. Tất cả các công trình hạ tầng giao thông sẽ được đầu tư, xây dựng hoàn thiện “gánh vác” nhiệm vụ chung của cả vùng là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là “chuyên chở” sức nặng của vùng kinh tế năng động bậc nhất cả nước này.

Cùng với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương trong khoảng 1/4 thế kỷ qua nổi lên là một cực tăng trưởng mới của vùng, một địa phương luôn thuộc top đầu cả nước về phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và đô thị. Bình Dương hiện có tới 27 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 2 cả nước với khoảng 40 tỷ đô la Mỹ. Trên địa bàn có khoảng 58.000 doanh nghiệp trong nước, hơn 4.100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sức phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Bình Dương cũng như các tỉnh, thành trong vùng đã và đang đặt ra áp lực rất lớn về hạ tầng giao thông, không riêng của một địa phương nào.

“Điểm nghẽn” giao thông của vùng đã được nhìn thấy từ nhiều năm trước. Bằng nguồn lực của địa phương và các doanh nghiệp mạnh trên địa bàn, Bình Dương đã đầu tư hàng loạt công trình giao thông kết nối mang tính động lực cao như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2 nối với Đồng Nai, cầu đường nối với Tây Ninh… Dù vậy, hệ thống hạ tầng giao thông chung của cả vùng vẫn chưa đủ “vững” để gánh vác, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, mạnh hơn. Với việc ban hành Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị gồm nhiều vấn đề, lĩnh vực quan trọng, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng với những mục tiêu, công trình cụ thể, kỳ vọng bức tranh hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ sẽ đồng bộ, xứng tầm để phát triển.

TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=440
Quay lên trên