Chuyển đổi số (CĐS) mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu khá khả quan kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 về “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên, để CĐS thực sự trở thành “cuộc cách mạng của toàn dân”, trước tiên phải chuyển đổi về mặt nhận thức. Nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS nên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của mỗi một người dân, trong đó công tác tuyên truyền vận động đóng vai trò quan trọng.
CĐS là công việc không phải của riêng một ngành mà là tổng hợp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong giai đoạn hiện nay, tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều thực hiện tiến trình CĐS. CĐS trong doanh nghiệp góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. CĐS trong giáo dục thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy và học tập. CĐS trong y tế cho phép người dân thông qua các nền tảng số tiếp cận nhanh nhất và thụ hưởng dịch vụ y tế tốt nhất, góp phần giải quyết vấn đề giảm tải cho các cơ sở y tế…
CĐS có tác động bao trùm, hướng tới đối tượng thụ hưởng là người dân nên còn được ví là “cuộc cách mạng của toàn dân”. CĐS chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại. Không chỉ người dân ở thành thị mà CĐS còn tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo được tiếp cận các dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Do vậy, để mọi người, mọi nhà cùng có cơ hội tham gia đóng góp nhằm mang lại sự thành công cho quá trình CĐS, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân.
Một cơ quan, tổ chức có thể CĐS thành công rất nhanh thông qua việc sử dụng nguồn lực sẵn có, nhưng một địa phương, một cộng đồng và rộng hơn là một quốc gia muốn chuyển CĐS thành công là chuyện không hề dễ dàng. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, thời gian qua Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch nhằm đẩy nhanh quá trình CĐS. Các sở ngành, địa phương, đơn vị cũng đã cụ thể hóa các văn bản, kế hoạch của lãnh đạo tỉnh để đẩy nhanh quá trình CĐS tại từng sở ngành, địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, do trình độ học vấn và nhận thức của người dân không đồng đều nên dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa và lợi ích mà CĐS mang lại.
Để CĐS thật sự trở thành “cuộc cách mạng của toàn dân”, bên cạnh nguồn lực của các sở ngành, địa phương, đơn vị… cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các đoàn thể chính trị - xã hội đóng vai trò quan trọng. Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức CĐS cần có đội ngũ tuyên truyền viên, tình nguyện viên am hiểu lĩnh vực này để nói cho dân rõ, dân thông.
LÊ QUANG