Đoàn Bình Dương biểu diễn tại Festival
Nhiều hoạt động tại Festival
Festival ĐCTT quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014, với chủ đề “Tình người, tình đất phương Nam” có rất nhiều hoạt động diễn ra. Chuỗi hoạt động mang nhiều ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thương mại, du lịch… Tất cả mang đến cho người dân, du khách những ngày thật sôi động và nhiều cảm xúc. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc với sự chuẩn bị công phu, đầu tư hoành tráng là một trong những dấu ấn khó phai của Festival lần này trong lòng người dân và du khách. Trong đêm khai mạc, nhiều bản đờn, bài ca tài tử được giới thiệu đến với công chúng. Tại đây, công chúng thỏa niềm đam mê nghệ thuật ĐCTT khi được thưởng thức những cung bậc sâu lắng, ngọt ngào của các bài, bản, các ngón nghề điêu luyện của các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ nhiều vùng, miền trên cả nước.
Xuyên suốt chương trình có các hoạt động: Triển lãm sinh vật cảnh, Hội chợ thương mại - du lịch, không gian ĐCTT Nam bộ, Lễ hội ẩm thực Nam bộ, Chương trình nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của soạn giả Trọng Nguyễn và soạn giả Yên Lang, Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, Liên hoan ĐCTT toàn quốc… Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Điểm nhấn của Festival là không gian ĐCTT Nam bộ và Liên hoan ĐCTT toàn quốc. Hoạt động này không chỉ đơn thuần là hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm biểu diễn ĐCTT, mà còn là hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy, truyền bá nghệ thuật ĐCTT trong công chúng mộ điệu, nhất là giúp thế hệ trẻ - thế hệ kế thừa, hiểu, thẩm thấu cái đẹp, cái đặc sắc của loại hình nghệ thuật độc đáo vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Đáng chú ý là triển lãm nhạc cụ dân tộc nhằm tôn vinh nét đặc trưng, độc đáo của văn hóa cộng cư giữa các dân tộc anh em. Triển lãm giới thiệu sự phong phú, đa dạng và độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam. Ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh, thưởng thức các ngón nghề điêu luyện của các nghệ nhân đờn ca tài tử… du khách còn được mãn nhãn, ngon miệng với các loại đặc sản của miền sông nước khi tham gia Lễ hội ẩm thực Nam bộ. Hình ảnh sống động, chân thực của một Bạc Liêu năng động, đang bứt phá, tăng tốc để vươn lên được phản ánh rõ nét qua triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật và các tác phẩm được trao giải của Giải báo chí “Bạc Liêu trên đường phát triển”.
Đêm 29-4, Festival sẽ khép lại. Nhiều nghệ sĩ, du khách khẳng định Festival như “bữa tiệc” giúp những ai đam mê ĐCTT được thỏa niềm đam mê.
Ấn tượng Bình Dương tại Festival
Đến với Festival, Bình Dương đã “trình làng” những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh nhà. Trong phần trang trí Không gian ĐCTT Nam bộ với 21 tỉnh, thành tham dự, Bình Dương đã xuất sắc được Ban tổ chức đánh giá cao phần trang trí với những nét riêng biệt. Bình Dương đã mang “hơi thở” cuộc sống, đất và người Bình Dương đến với không gian như: Sơn mài, gốm sứ, làng tre… Bên cạnh đó, suốt 4 đêm phục vụ tại không gian, với những ngón đờn của nghệ sĩ Kiều My, Lê Tốt, Văn Sáng, Thanh Vân; những giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, gạo cội: Thu Hồng, Minh Hải, Kim Yến, Kiều Oanh, Ngọc Lan, Thanh Hậu, Phương Tứ… không gian đã thu hút nhiều người đến xem cũng như hát giao lưu. Ông Vưu Long Vỹ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Theo tôi được biết, Bình Dương là tỉnh đến với ĐCTT sau này, nhưng đã xuất hiện nhiều soạn giả, nghệ sĩ đa tài. Họ đã góp phần cống hiến cho sự phát triển chung của ĐCTT. Riêng tại Festival lần này, Bình Dương đã gây bất ngờ với không gian đẹp, những giọng hát hay”.
Trong phần Liên hoan ĐCTT toàn quốc, Bình Dương tiếp tục được đánh giá cao khi “trình làng” chương trình giao lưu, với chủ đề “Hương sắc phương Nam”. Toàn bộ chương trình có 6 tiết mục: Hòa tấu Liên Nam (8 câu xuân, 8 câu ai, 12 câu đảo); song ca tiết mục “Hồn thiêng sông núi”; đơn ca “Vọng chinh phu” và “Bến cũ tình xưa”; độc tấu đờn kìm; ca ra bộ “Sui gia kể chuyện nông thôn mới”. Ông Phước Trọng, chỉ đạo nghệ thuật chương trình, cho biết: “Để chuẩn bị cho chương trình liên hoan, đoàn đã tập luyện 20 buổi. Các nghệ sĩ mỗi người một nghề, ở một nơi nhưng với niềm đam mê mọi người đã vượt qua khó khăn để tập luyện, tham dự liên hoan. Những tiết mục trong chương trình là một chuỗi xuyên suốt giúp người xem cảm nhận được cái hay của tài tử từ những ca từ đơn giản đến phức tạp. Bên cạnh đó, đây là dịp để giới thiệu đất, người Bình Dương với các tỉnh, thành bạn. Ngoài ra, tham dự liên hoan, các nghệ sĩ Bình Dương học hỏi nhiều kinh nghiệm trong lối chơi đờn, ca và trình diễn trên sân khấu”.
Được biết, Festival ĐCTT lần II-2016, Bình Dương sẽ đăng cai tổ chức. Trước tin vui này, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cũng như các nghệ nhân tham gia liên hoan vui mừng, chờ đợi. Theo các nghệ nhân, Bình Dương đang phát triển ĐCTT, nếu được tổ chức Festival sẽ phần nào giúp phong trào nghệ thuật tài tử tiến thêm bước mới. Ngoài ra, việc tổ chức sẽ giúp lớp trẻ yêu hơn loại hình nghệ thuật dân tộc, từ đó góp phần lưu giữ, phát triển ĐCTT trên quê hương Bình Dương.
THIÊN LÝ