(BDO) Hiện nhiều địa phương trong tỉnh gấp rút hoàn thành hỗ trợ tiền cho người bán vé số và lao động tự do không có hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, việc chi hỗ trợ được sắp xếp chu đáo theo quy định phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, đó là không tập trung quá đông người, tuân thủ thực hiện 5K của Bộ Y tế.
Phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một gấp rút hoàn thành chi hỗ trợ cho 120 người bán vé số dạo trên địa bàn
Các địa phương khẩn trương chi hỗ trợ
Tại phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, sau khi rà soát hồ sơ, có tổng cộng 120 người bán vé số dạo với số tiền được chi hỗ trợ là 180 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND phường Hiệp An, cho biết: Trên địa bàn có khoảng 1.500 đối tượng là người bán vé số và những người không có hợp đồng lao động các ngành nghề. Ngay sau khi có chỉ đạo của thành phố, phường cho triển khai nhanh đến bà con và đã sớm hoàn thành hồ sơ gửi thành phố phê duyệt. Để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh theo quy định, UBND phường chỉ đạo các khu phố khi phát tiền cho bà con phải chia khung giờ. “Sáng 3-8, chúng tôi chủ yếu phát cho bà con ở khu phố 5 (khu chợ Bưng Cầu), những điểm khác sẽ hoàn tất trong ngày mai”, ông Đức nói.
Hồ sơ những người bán vé số dạo, lao động động tự do bị ảnh hưởng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này cơ bản đã được khai báo xong và việc xét xuyệt cũng rất khẩn trương.
Ông Nguyễn Văn Ân, Chủ tịch UBND phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, cho biết qua thống kê toàn phường có hơn 1.000 lao động tự do. Hồ sơ được duyệt và đã chi trả là 231 hồ sơn, chủ yếu là người bán vé số được ưu tiên giải quyết trước. Hồ sơ xét duyệt đến đâu, các khu phố triển khai phát cho bà con đến đó. Để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, phường tổ chức phát từng đợt, thực hiện theo đúng giãn cách.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay tất cả các đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn được hỗ trợ là 20.722 người, với số tiền đã giải ngân gần 32 tỷ đồng (đạt 51,3% so với kế hoạch). Trong đó, số đối tượng hành nghề bán vé số trên địa bàn cơ bản được hỗ trợ hoàn tất.
Về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có 14.359 đơn vị được giảm với hơn 1 triệu lao động được giảm, tổng số tiền giảm mức đóng 12 tháng (từ 1-7-2021-30-6-2022) ước tính trên 393 tỷ đồng.
Niềm vui ngày nhận tiền
Theo ước tính, toàn tỉnh có hơn 40.000 lao động là người bán vé số, không có hợp động lao động gặp khó khăn trong đợt dịch bệnh thứ 4 này. Hầu hết họ là những người từ các tỉnh khác đến lập nghiệp, thuê nhà trọ sinh sống. Để thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19, những ngày qua họ không thể ra đường, nên không có việc làm dẫn đến không có thu nhập.
Phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một chi hỗ trợ cho những người không có hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ
Ngày nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hòa và ông Lê Văn Sáu đang tạm trú khu phố 5, phường Hiệp An mừng đến rơi nước mắt. Bà Hòa cho biết, bà quê Bến Tre, có người con trai đã lập gia đình sống riêng, cuộc sống cũng khó khăn. Cách đây mấy năm, trong những ngày mưu sinh bán vé số trên địa bàn phường Hiệp An, bà gặp ông Sáu, quê Tây Ninh rồi kết làm bạn già. Do sức yếu nên mỗi ngày 2 người bán vé số quanh khu vực chợ Bưng Cầu, cũng kiếm cũng có thu nhập trả tiền thuê nhà trọ và chi tiêu hàng ngày. Năm nay dịch bệnh kéo dài, chỉ bán được 2 tháng sau tết rồi ngồi ở nhà gần 3 tháng nay, nên 2 ông bà không có thu nhập, sống nhờ trợ cấp của người con trai và số quà địa phương tặng.
“Hôm qua chủ trọ đến lấy tiền, vợ chồng tôi chỉ mới đóng được một nửa, số còn lại chưa biết kiếm ở đâu thì được địa phương thông báo đi nhận tiền hỗ trợ nên mừng không tả được. Tôi hy vọng tới đây chủ nhà trọ cũng giảm hoặc miễn tiền cho chúng tôi như những khu nhà trọ khác, số tiền có được sẽ chắt chiu để lo qua ngày cho đến khi hết dịch”, bà Hoa nói.
Khi nhận tiền hỗ trợ chính sách tại khu phố 4, phường Phú Mỹ, bà Trần Thị Thu, quê An Giang cũng không giấu được niềm vui. “Tôi đến Bình Dương đã 5 năm. Trước đây tôi đi phụ rửa chén cho quán cơm, 3 năm nay đi bán vé số cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng không may gặp dịch bệnh, không có việc làm nên có vài triệu đồng tôi để dành được nay đã tiêu xài hết. Tôi có đứa con gái làm công nhân trên này nhưng cũng đang nghỉ việc ở nhà, hơn nữa nó có gia đình, cuộc sống cũng khó khăn, không nở xin tiền con. Tôi biêt chỉ nhận được hỗ trợ 1 lần duy nhất, nếu dịch còn kéo dài không biết phải sống làm sao. Chỉ mong dịch bệnh bệnh sớm đi qua để mọi người được trở lại cuộc sống bình thường như trước”, bà Thu tâm sự.
Vui vì tiền hỗ trợ đã đến tay, nhưng kèm theo đó là nỗi lo lớn nếu dịch bệnh còn kéo dài. Những người bán vé số hay lao động tự do nhìn chung vẫn đang rất lo lắng trong cao điểm mùa dịch, rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ thêm trong những ngày tới.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết đến nay, bên cạnh giải quyết hoàn tất cho các đối tượng bán vé số, người bị bệnh Covid-19, những người lao động không có hợp đồng, các nhóm đối tượng khác được hỗ trợ như chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng, ngừng việc...đang được đẩy mạnh, các địa phương đang gấp rút hoàn thành kế hoạch đề ra. |
Quang Tám