Trong các ngày 5 và 6-8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện Chương trình giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh” với các trường cao đẳng, trung cấp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh. Nhiều vấn đề được đặt ra nhằm hướng tới đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao cho tỉnh nhà.
Cần các chính sách hỗ trợ
Làm việc với đoàn công tác, đại diện các đơn vị đã trình bày những khó khăn trong đào tạo nghề, cần cơ chế hỗ trợ. Cụ thể là công tác liên thông trong đào tạo nghề; chính sách về học văn hóa trong trường nghề; liên doanh liên kết trong đào tạo; chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân lực, đầu tư mua sắm trang thiết bị...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, làm việc với Ban Giám đốc Trung tâm GDNN tư thục Mỹ Phước về thực hiện chính sách, pháp luật về GDNN và giải quyết việc làm
Cụ thể như trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc với quy mô đào tạo khoảng 1.400 học viên/năm ở nhiều nhóm ngành nghề. Trong năm học 2023-2024, trường tuyển sinh hơn 1.300 học viên. Hiện trường có nhiều khó khăn như cơ sở vật chất xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn đào tạo theo quy định.
Đội ngũ giáo viên thiếu, không đáp ứng quy mô đào tạo. Cán bộ hành chính có thu nhập thấp, không có phụ cấp… Trường đề xuất có cơ chế, chính sách đãi ngộ và thu hút giáo viên, quan tâm đầu tư công, bố trí kinh phí chỉnh trang, sửa chữa cơ sở vật chất, giảm học phí cho ngành nghề độc hại hệ cao đẳng.
Hiệu quả của việc gắn kết “3 nhà” Việc gắn kết “3 nhà” trong hoạt động GDNN bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước. Nhiều cơ sở GDNN đã tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên như hỗ trợ nhà trường trong xây dựng chương trình đào tạo; mời chuyên gia, kỹ sư có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy; phối hợp tổ chức cho học sinh, sinh viên học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tổ chức cho giáo viên tham quan thực tế sản xuất tại doanh nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp… Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và ngày càng gắn với nhu cầu của thị trường lao động. |
Trong khi đó, đại diện trường Cao đẳng Y tế Bình Dương, cho biết tình hình tuyển sinh tại trường khởi sắc do được hưởng cơ chế chính sách của tỉnh. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất của trường xuống cấp nên đề xuất phân bổ kinh phí sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, chính sách hỗ trợ nhân tài, hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên...
Trước đó, đoàn công tác đã khảo sát, làm việc với một số cơ sở đào tạo nghề và ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất về nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện tốt nhất công tác trong thời gian tới.
Tăng cường đào tạo nhân lực có tay nghề
Qua các buổi làm việc, đoàn công tác đã ghi nhận đóng góp từ các trường. Tuy nhiên, để địa phương và Trung ương có chính sách hỗ trợ tốt hơn, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê chi tiết các đơn vị thiếu giáo viên, thiếu ở ngành nghề nào để khi đoàn làm việc với UBND tỉnh phải có số liệu cụ thể và cả giải pháp thực hiện.
Về chính sách, các đơn vị phải rà soát lại cụ thể, chi tiết, không nói chung chung. Về đầu tư trang thiết bị, các trường phối hợp với sở thống kê hiện trạng, xem lại các giải pháp đầu tư công trung hạn, dài hạn đã đúng chưa, nếu chưa có thì đưa vào; phải xây dựng được đề án liên doanh liên kết giữa các trường trong đào tạo...
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao tại Bình Dương, mạng lưới cơ sở GDNN được quan tâm sắp xếp, rà soát, sáp nhập để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân.
Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An còn phối hợp với doanh nghiệp đưa sinh viên đến thực tập tại các nhà máy, để nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: QUANG TÁM
Qua đánh giá, hiện nay chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, gắn với việc làm, nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Công tác xã hội hóa trong đào tạo nghề đã thu hút được tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở GDNN có chất lượng, đóng góp tích cực cho việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về đào tạo nghề nghiệp, góp phần đa dạng hóa hoạt động đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có chuyển biến tích cực và tăng lên hàng năm. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định ngày càng tăng. Kết quả đào tạo nghề đã đóng góp tích cực cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 68% (năm 2014) lên 83% (năm 2023). Trong đó, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ tăng từ 19,5% (năm 2014) lên 32% (năm 2023).
QUANG TÁM