Chiều 20-6, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao để có ý kiến về việc tòa này ban hành Thông tư số 01/2014 kèm theo nội quy phiên tòa; trong đó có điều 4 buộc các phóng viên phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa, chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc là đã phát sinh thủ tục, chưa phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, chưa thật sự phù hợp với các nguyên tắc tổ chức phiên tòa… Trên cơ sở những phân tích hợp lý, Bộ Tư pháp đã kiến nghị TAND Tối cao xem xét lại các quy định tại điều 4 của thông tư này. Đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa và góp phần gỡ khó cho các phóng viên khi tác nghiệp tại các phiên tòa xét xử công khai.
Căn cứ theo Luật Báo chí năm 1989 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Luật số 12/1999/QH10 thì: “Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ; khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật, được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp, không ai được cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Theo đó, điều 8 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định: “Nhà báo được đến cơ quan, tổ chức… để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo, được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo các quy định của pháp luật”. Viện dẫn những quy định của luật và nghị định trên cho thấy rõ quyền tác nghiệp của nhà báo là mở rộng, đáp ứng quyền được thông tin của bạn đọc về hoạt động xét xử của cơ quan tố tụng.
Song, kể từ ngày 16-6 vừa qua, Thông tư 01/2014 của TAND Tối cao về nội quy phiên tòa có hiệu lực. Theo đó, nhà báo muốn tác nghiệp tại tòa phải cùng lúc trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác của cơ quan. Quy định này vô hình trung đã gây khó khăn cho nhà báo; đặc biệt là đối với số phóng viên thường trú tại địa phương khó lòng đáp ứng yêu cầu khi cơ quan chủ quản của họ lại ở quá xa, làm sao có được ngay giấy giới thiệu công tác. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng: Đã xuất trình thẻ nhà báo mà đòi thêm giấy giới thiệu công tác nữa thì giống như hình thức “giấy phép con” - một thủ tục hành chính gây thêm rắc rối, nhiêu khê. Hơn nữa, trong chiến lược cải cách tư pháp, việc tham gia của người dân, báo chí trong công tác giám sát là cần thiết; được xem như là một trong những giải pháp quan trọng để phòng tránh oan sai. Thiết nghĩ, một phiên tòa tiến hành xét xử công khai, mọi điều minh bạch và HĐXX làm tròn trách nhiệm là việc rất tốt nên cần được báo chí thông tin rộng rãi; thông qua đó góp phần tuyên truyền cho hoạt động tố tụng và phổ biến pháp luật đến người dân.
THANH NHÀN