Những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ về tăng trưởng kinh tế. Người tiêu dùng trong nước nhờ vậy đã được tiếp cận với một thị trường hàng hóa nhiều chủng loại, phong phú về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, người tiêu dùng trong nước cũng phải đương đầu với mặt trái của nền kinh tế thị trường, trong đó vấn nạn hàng lậu, hàng giả như một “ung nhọt” thách thức cả nền kinh tế.
Hàng lậu, hàng giả chưa bao giờ là câu chuyện xưa cũ mà luôn luôn mới, đặc biệt là vào những dịp lễ, tết khi sức mua trên thị trường tăng mạnh. Thời gian qua, mặc dù các bộ, ngành Trung ương và cơ quan chức năng các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, nhưng các cá nhân, tổ chức mua bán hàng lậu, hàng giả vẫn chưa giảm, nếu không muốn nói là ngày càng mở rộng cả về quy mô và tốc độ “phủ sóng” thị trường. Điều đó đã được chứng minh qua những vụ bắt giữ hàng lậu, hàng giả thời gian gần đây.
Nếu như trước đây, hàng lậu chỉ được mua bán với quy mô nhỏ, chủ yếu là thẩm lậu qua biên giới dưới dạng hàng xách tay hay các tổ chức, cá nhân buôn bán hàng lậu lén lút đưa hàng qua đường mòn, lối mở, thì nay quy mô và phương thức vận chuyển hàng lậu đã thay đổi. Chỉ với một vụ gần 100 xe tải nặng, tương đương 200 container hàng hóa, nhập lậu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai bị Cục Điều tra chống buôn lậu bắt giữ mới đây đã nói lên quy mô của hàng lậu. Về chủng loại hàng hóa, các tổ chức, cá nhân buôn lậu từ cây kim, sợi chỉ cho đến mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm và cả thuốc trừ sâu. Có nghĩa các tổ chức, cá nhân buôn lậu không từ bỏ bất kỳ một mặt hàng nào nếu đem lại lợi nhuận.
Khác với hàng lậu là sản xuất ở nước ngoài, hàng giả có thể được sản xuất ở cả trong và ngoài nước, giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng rồi tung ra thị trường để lừa người tiêu dùng. Quy mô sản xuất và mạng lưới chân rết phân phối hàng giả cũng ngày càng lớn mạnh không thua kém hàng lậu. Hàng giả hiện đã có mặt ở hầu hết các phân khúc của thị trường, từ “mẹt” hàng tạp hóa ở chợ vùng sâu đến vỉa hè, góc phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp nhằm “thử thách” mức độ sành sỏi của khách hàng. Không chỉ phong phú về mẫu mã, hàng giả còn “linh động” về giá cả nên dễ dàng chiếm lĩnh trái tim những “thượng đế” ham của rẻ.
Hậu quả mà hàng lậu, hàng giả gây ra là đã rõ. Hàng lậu, hàng giả làm thiệt hại về kinh tế, làm mất uy tín và giảm sút lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tác động tiêu cực về tâm lý người tiêu dùng. Trước những tác động tiêu cực do hàng lậu, hàng giả gây ra, nhiều người tự hỏi vấn nạn hàng lậu, hàng giả bao giờ mới dứt? Đây là câu hỏi khó bởi thị trường vận hành theo quy luật. Muốn chấm dứt vấn nạn hàng lậu, hàng giả không chỉ trông chờ ngành chức năng mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía, trong đó người tiêu dùng đóng vai trò quyết định.
LÊ QUANG