Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp (DN) là giải pháp tiên quyết trong giải quyết tranh chấp lao động. Hiểu rõ vai trò của công tác này, thời gian qua, Hiệp hội Da giày Bình Dương đã đồng hành, hỗ trợ DN chủ động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng niềm tin của người lao động (NLĐ) với DN.
Sẵn sàng hỗ trợ
Vấn đề quan hệ lao động trong các DN da giày vẫn còn nhiều tiềm ẩn. Một số DN chưa xây dựng và duy trì thường xuyên các kênh đối thoại giữa người sử dụng lao động và NLĐ, thậm chí nhiều DN chưa tổ chức thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết: “Hiện nay, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã mở ra cơ hội lớn cho ngành da giày trong việc thu hút đơn hàng. Vì vậy, các DN da giày luôn tâm niệm NLĐ là vốn quý của DN, làm sao để xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa DN và NLĐ, để cùng nhau thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngừng việc tập thể tạm thời đã từng diễn ra ở một số DN, mà nguyên nhân sâu xa là sự thiếu thông tin giữa các bên tham gia quan hệ lao động. Không thoả mãn về những vấn đề cần phải được biết, NLĐ dễ bị những thông tin lệch lạc chi phối, dẫn đến những hành động không đúng với quy định của pháp luật về đình công, gây phương hại cho DN và cho cả lợi ích của bản thân họ. Không nắm được đầy đủ những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng từ tập thể lao động, chắc chắn những nhà quản lý DN sẽ có nhiều thiếu sót khi đưa ra những quyết định quản lý của mình. Vìvậy, chỉ có thông qua đối thoại tại DN và thương lượng tập thể một cách thường xuyên, người sử dụng lao động mới có những quyết sách đúng đắn, được sự đồng thuận cao của tập thể lao động, tạo ra động lực để NLĐ làm việc hăng hái, nhiệt tình vìlợi ích của họ và của cả DN.
Công nhân Công ty TNHH OLeer Việt Nam (TX.Dĩ An) đề đạt kiến nghị với ban giám đốc công ty
Thực tế, thời gian qua, Hiệp hội Da giày Bình Dương luôn sát cánh, đồng hành cùng DN, hỗ trợ DN thực hiện đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể. Cụ thể, hiệp hội đã hỗ trợ một số DN xây dựng quy chế phối hợp giữa công đoàn cơ sở với ban giám đốc công ty, các phòng ban, nhằm thống nhất các chương trình hành động. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ DN xây dựng hệ thống thông tin đa chiều với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng nhằm tiếp thu các ý kiến, mong muốn từ NLĐ...
Tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể
Thực hiện tốt đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể với NLĐ, DN không những chấp hành tốt quy định của pháp luật lao động mà còn đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Chỉ có thực hiện tốt đối thoại tại nơi làm việc vàthương lượng tập thể với NLĐ mới thật sự xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong từng DN. Công ty TNHH OLeer Việt Nam (TX.Dĩ An), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày xuất khẩu sang thịtrường châu Âu. Thời gian qua, công ty đặc biệt quan tâm thực hiện quy chế dân chủ trong công ty. Hàng quý, ban giám đốc công ty cùng ban chấp hành công đoàn cở sở tổ chức hội nghị đối thoại, từ đó giải quyết kịp thời những kiến nghị của NLĐ và cải thiện tốt nhất điều kiện làm việc cho NLĐ; đồng thời nhắc nhở NLĐ chấp hành tốt nội quy công ty... Đặc biệt vào những thời điểm nâng lương, tại DN sẽ có những xáo trộn, cán bộ Công đoàn Công ty TNHH OLeer đã chủ động tập hợp các ý kiến của NLĐ trình lên ban lãnh đạo công ty. Sau đó, tổ chức các buổi đối thoại giữa ban lãnh đạo công ty với NLĐ bảo đảm hài hòa lợi ích của cả hai bên. Việc thường xuyên tổ chức được những buổi đối thoại sẽ rất hiệu quả, giúp NLĐ yên tâm làm việc, vì họ biết đã có người đại diện, bảo vệ quyền lợi cho họ.
Hay Công ty TNHH Osco Việt Nam (TX.Bến Cát) làm tốt công tác đối thoại, cụ thể, ban giám đốc thường xuyên nắm bắt tư tưởng công nhân thông qua đối thoại hàng tháng, hay định kỳ 3 tháng/lần để giải quyết những kiến nghị, khó khăn, bức xúc liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ. Để có thể thành công trong đối thoại và thương lượng thỏa ước lao động tập thể, công ty luôn cải thiện mối quan hệ giữa công đoàn với DN, tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ trong đối thoại, thương lượng...
* Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết so với những năm trước đây, thời gian qua, các vụ tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các chi hội, hiệp hội DN Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt Hiệp hội Da giày Bình Dương. Điểm nổi bật của Hiệp hội Da giày Bình Dương là làm tốt công tác tuyên truyền các DN thực hiện nghiêm pháp luật lao động, nhắc nhở, chấn chỉnh các sai phạm của DN để giảm thiểu các vụ tranh chấp. Bên cạnh đó, các DN trong Hiệp hội Da giày còn đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện các chương trình “Chuyến xe xuân nghĩa tình”, “Tết sum vầy”, học bổng “Chắp cánh ước mơ”…
* Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương: Thời gian qua, Hiệp hội Da giày Bình Dương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN chủ động đối thoại, thương lượng tập thể. Hoạt động này diễn ra chủ yếu dưới hình thức gián tiếp, qua điện thoại, mạng xã hội, email, hệ thống phát thanh nội bộ của DN. Đặc biệt qua mạng xã hội ngày càng phát huy hiệu quả, cán bộ công đoàn, tư vấn viên thường xuyên thông qua các nhóm, Zalo, Facebook để trao đổi, tư vấn khi DN có nhu cầu. Bên cạnh đó, hiệp hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của DN và NLĐ, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Tiêu biểu phải kể đến hoạt động hỗ trợ các DN, NLĐ giải tỏa các mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động tại DN có sự tham gia của một sốphần tử xấu lôi kéo CNLĐ, kích động, xuyên tạc... Hiệp hội đã kịp thời phối hợp với các ngành chức năng triển khai đồng loạt các biện pháp, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ tài sản của các nhà đầu tư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
KIM HÀ