Dù có thể xây thêm vài phòng trọ để tăng thu nhập nhưng họ để phần đất đó tạo sân chơi thể thao, phòng đọc sách... cho công nhân.
Nghe tiếng cãi nhau, tôi đến xem vợ chồng công nhân (CN) trong khu trọ có chuyện gì. Vợ bảo tiền lương đã gửi về 2/3 cho con, kêu chồng lấy lương của mình đóng tiền nhà thì chồng nói đã gửi hết cho mẹ ruột. Vậy là vợ chồng cãi vã. Biết rõ đầu đuôi câu chuyện, tôi nói với cô vợ rằng mẹ chồng cũng như mẹ mình, có chuyện cần thì chồng mới gửi tiền về. Đó là chuyện cấp bách phải lo, còn tiền nhà của tôi thì thủng thẳng trả cũng được”. Bà Nguyễn Thị Thành, Tổ trưởng Tổ CN tự quản số 1 xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM, kể tại buổi giao lưu “Hoa giữa đời thường” do LĐLĐ TP HCM phối hợp cùng Cung Văn hóa Lao động TP và Đài Truyền hình TP tổ chức sáng 11-10.
Chỗ dựa của công nhân
Không chỉ là một chủ nhà trọ tốt bụng, bà Thành được CN tin tưởng, xem như một chuyên gia hòa giải, một công an viên có nghiệp vụ trong khu trọ. Bà kể có cô CN tháo chiếc lắc tay cho chồng đem bán để chuẩn bị sinh con thì chiếc lắc biến mất khi có người lạ ghé. Khám xét, đưa lên công an cũng không tìm thấy, bà Thành gợi ý: “Đưa vô bệnh viện siêu âm thử, chắc là nuốt vào bụng rồi”. Đến lúc này, tên trộm đành thú nhận đã lấy chiếc lắc.
Ông Huỳnh Văn Chúm, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, trao hoa cho các nữ tổ trưởng tổ công nhân tự quản
Không chỉ tài tình trong phá án, phân xử, bà Thành còn là người se duyên cho nhiều đôi lứa tại xóm trọ rồi chăm sóc con cái họ khi các cháu chào đời. Vào dịp Tết Trung thu, cha mẹ các cháu bận đi làm, bà lần lượt chở chúng lên huyện nhận quà, bánh. Về phòng sinh hoạt chung tại nhà trọ, bà kể: “Có người hỏi sao không lấy phòng đó cho thuê kiếm thêm thu nhập mà lại để cho CN đọc sách, hát karaoke, sinh hoạt? Tôi trả lời chết rồi cũng có mang theo được đâu. Vậy thì tại sao không để các cháu có chỗ vui chơi, sinh hoạt?”. Bà còn làm sân chơi bóng chuyền, cầu lông cho CN. “Từ ngày có sân chơi thể thao, phòng đọc sách, các anh bớt nhậu nhẹt, la cà quán xá”- CN Lê Thị Thơm, nhận xét.
Ngôi nhà thứ hai của công nhân
Xanh, sạch đẹp là ấn tượng đầu tiên của mọi người khi đến khu nhà trọ của bà Cao Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ CN tự quản khu phố 3, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM. Hưởng ứng phong trào xây dựng khu nhà trọ văn minh, nghĩa tình, bà Hoa dành ra một khoảng đất để làm khu phơi quần áo tập trung cho CN. Buổi tối, khu vực đó trở thành chỗ cho CN ngồi hóng mát, chơi cờ. “Nhiều người cũng hỏi tôi sao không lấy khu đất đó để xây thêm 3-4 phòng trọ chứ để phơi quần áo thì lãng phí. Tôi trả lời có khu phơi quần áo này, CN không còn phơi tràn lan trước cửa phòng trọ, bảo đảm mỹ quan”- bà Hoa chia sẻ.
Tổ trưởng Tổ CN tự quản khu nhà trọ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM, chị Hà Thị Ngọc Hạnh, xuất thân từ CN nên rất hiểu hoàn cảnh của CN xa nhà. Nhiều CN khó khăn, chị cho nợ tiền nhà, thậm chí cho mượn tiền khi gia đình CN có việc. Ngày Tết, chị tặng quà, bánh mứt, lì xì cho những CN không có điều kiện về quê. Chị kể: “Tôi rất chú trọng đến an ninh cho CN ở trọ. Nghe ồn ào là tôi đến ngay, không để xảy ra ẩu đả. CN đến thuê phòng, tôi đều hỏi làm ở công ty nào, rồi gọi điện thoại đến tận công ty để xem người đó thật sự có làm ở đó không. Nhờ cẩn thận nên đến nay vẫn chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra”.
Khu trọ của chị Hạnh an ninh, nghĩa tình là thế nên có CN đến ở khi còn độc thân rồi lấy nhau có con cái. Cũng có CN tích góp mua được nhà nhưng vẫn thường xuyên về thăm nơi mình từng gắn bó.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM: Những trái tim nhân ái
Từ năm 2005 đến nay, LĐLĐ TP HCM thành lập 2.411 tổ CN tự quản với 220.000 thành viên. Các tổ trưởng tổ CN tự quản cũng là các chủ nhà trọ với trái tim nhân ái luôn tìm đủ cách để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CN. Để chia sẻ với CN, nhiều lúc bản thân các cô, các chị đã chịu nhiều thiệt thòi nhưng họ vẫn hạnh phúc khi thấy CN được hạnh phúc.
Theo NLĐ