Hướng về cội nguồn dân tộc

Cập nhật: 16-04-2016 | 08:11:56

 “Dù ai đi ngược về xuôi/ nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”. Từ bao đời nay, câu ca dao trên đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm đã trở thành ngày trọng đại của cả dân tộc, qua đó nhắc nhở mỗi người nhớ về cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính và biết ơn công lao dựng nước của tổ tiên.

 Từ thuở lập quốc cho đến nay, người dân Việt Nam ở mọi thời đại luôn đề cao và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ngày mùng 10-3 (âm lịch) hàng năm, lễ Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành quốc lễ thiêng liêng của toàn dân tộc. Với truyền thống “cây có cội, nước có nguồn”, cứ đến ngày này những người dân ở khắp mọi miền đất nước lại trở về đền Hùng ở Phú Thọ thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, những người không có điều kiện thì tưởng nhớ các Vua Hùng trong tâm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã 2 lần về thăm đền Hùng. Tại đây, Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Với tấm lòng tôn kính, nhiều nơi trong nước đã tổ chức thờ tự, riêng ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc có hơn 600 nơi thờ các Vua Hùng. Có thể nói, thờ phụng Vua Hùng đã trở thành nét đẹp phong tục, bản sắc văn hóa Việt Nam. Trên thế giới, có lẽ hiếm có dân tộc nào thờ Quốc tổ như nước Việt Nam ta.

Riêng tại Bình Dương, từ khi thành lập trường THPT chuyên Hùng Vương đã lập phòng truyền thống thờ Vua Hùng ở nơi trang trọng. Và hàng năm cứ vào ngày mùng 10-3, được sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục - đào tạo, nhà trường lại tổ chức lễ giỗ quốc tổ. Hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, bắt đầu từ năm 2000, Nhà nước chính thức tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương theo nghi thức quốc gia. Ngày 2-4-2007, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch).

Từ xa xưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa của dân tộc. Ngày 6-12-2012, Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO đã công bố danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.

Chúng ta có quyền tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, đặc biệt là các đời Vua Hùng. Để thực hiện nhiệm vụ “giữ nước” như lời Bác Hồ dạy, mỗi người chúng ta cùng góp công, góp sức để bảo vệ Tổ quốc, giữ vững biên cương hải đảo, đồng thời góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh.

VĂN HIỆP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1132
Quay lên trên