Trong lúc các công ty, đơn vị sản xuất, kinh doanh đường rất vất vả trong việc tìm đầu ra thì khách hàng thương mại đã chuyển sang mua đường lậu từ Thái Lan. Đường nhập lậu vàoViệt Nam đa số có xuất xứ từ Thái Lan, chủ yếu đi qua đường biên giới Tây Nam. Để đưa đường lậu về Việt Nam, các đối tượng đã đổi vỏ bao đường Thái Lan thành bao trắng rồi tập kết xuống các ghe ở bờ bên phía Campuchia chờ cơ hội chuyển sang bờ đưa vào các kho nằm dọc bờ sông. Tại các kho này đường sẽ được “hợp thức hóa” bằng hóa đơn chứng từ của các nhà máy đường trong nước. Các đối tượng sử dụng hóa đơn này để quay vòng khó kiểm soát và cơ quan chức năng khó có thể biết hóa đơn này của lô hàng nào. Mỗi năm đường nhập lậu tràn vào càng nhiều, vì giá lúc nào cũng thấp hơn giá trong nước. Năm nay, đường lậu phát triển với quy mô lớn, nhiều và rộng khắp. Đường nhập lậu đã gây thất thu cho đất nước mỗi năm lên đến 650 tỷ đồng.
Trước một thực tế như trên, ngành mía đường Việt Nam bắt buộc phải nâng cao năng suất và giảm giá thành để cạnh tranh với đường Thái Lan. Trước thời điểm chỉ một vài năm nữa, khi Hiệp định AFTA có hiệu lực thì thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN vào nước ta sẽ bằng 0, nên không chỉ đường lậu mà với đường nhập chính ngạch, ngành mía đường Việt Nam sẽ thất bại do không thể cạnh tranh nổi nếu giá thành cao như hiện nay.
Không chỉ đến bây giờ người ta mới biết và chỉ ra sự bất hợp lý của ngành mía đường. Đầu tiên phải nói đến người nông dân trồng mía. Có năm, mía tốt tươi đầy ngoài ruộng nhưng nhà máy thu mua cầm chừng, thậm chí mía đến mùa thu hoạch trổ cờ trắng đồng nhưng không ai đếm xỉa. Người dân chán ngán vì thua lỗ, đành chuyển đổi canh tác cây trồng khác. Đến mùa sau, các nhà máy đường lại than không có nguyên liệu để chế biến. Giá đường bị đẩy lên cao, Nhà nước phải nhập khẩu đường để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Đây cũng là lúc đường nhập lậu tìm mọi cách len lỏi tràn vào. Đó là điều hiển nhiên vì giá thành, giá bán đường trong nước luôn cao hơn đường nhập lậu. Giới đầu cơ buôn lậu tư tung tự tác, thao túng thị trường đường bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, dễ dàng qua mắt lực lượng chức năng...
Niên vụ mía đường 2012-2013, diện tích mía cả nước đạt khoảng 300.000 ha, tăng so với niên vụ 2011-2012 hơn 16.000 ha. Đây là một niên vụ hy vọng bảo đảm cân đối được cung cầu trong nước. Một mùa sản xuất mía đường mới lại đến, người nông dân trồng mía không muốn nếm thêm vị đắng của cây mía như họ đã từng...
NHẬT HUY