Từ đầu năm đến nay, hầu như tháng nào ngành hàng không Việt Nam cũng xảy ra sự cố. Đặc biệt các sự cố khá nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong những ngày gần đây khiến nhiều người giật mình, lo ngại.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 10 tháng của năm 2014, số vụ vi phạm an toàn, an ninh hàng không tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2013 với hơn 210 sự cố an toàn bay. Ngoài những vụ việc liên quan đến hành khách như xâm phạm các khu vực cấm trong sân bay, tung tin có bom, vật liệu nổ, mang vũ khí, công cụ hỗ trợ sai quy định, gây rối, đe dọa, sự cố kỹ thuật… thì dư luận quan tâm nhất là ngày càng có nhiều vụ việc liên quan trực tiếp đến yếu tố chủ quan của con người, đó là hoạt động quản lý, điều hành bay.
Gần đây nhất, ngày 20-11, đã xảy ra sự cố mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay đã làm cho Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ sở Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay. Đây là sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trong ngành hàng không Việt Nam. Tại thời điểm xảy ra sự cố, có khá nhiều máy bay trong khu vực trách nhiệm của Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ sở Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất đã phải đình hoãn cất cánh tại sân hoặc quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hạ cánh xuống sân bay dự bị. Xử lý sau vụ việc, ngày 23-11, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã ban hành quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với 5 cán bộ Công ty Quản lý bay miền Nam có liên quan trong sự cố. Và cũng không thể không nhắc lại vụ việc cấp nhầm huấn lệnh bay tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27- 6, khiến cho 2 máy bay suýt xảy ra va chạm, hoặc mới đây nhất, ngày 29-10, một máy bay quân sự suýt va chạm với một máy bay chở khách…
Vì sao đã có một quy trình quản lý chặt chẽ, đã có hàng loạt văn bản, quy định về an toàn hàng không mà những vụ việc đáng lo ngại vẫn liên tục xảy ra? Trả lời câu hỏi này, Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận công tác kiểm tra an toàn sân bay, khai thác khu bay còn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chất lượng đối với các quy trình cung cấp dịch vụ vẫn còn bất cập, việc giám sát trực tiếp của cảng vụ còn yếu kém, nhân lực thiếu và chưa có chuyên môn sâu.
Và như vậy là đã rõ. Những sự cố của ngành hàng không Việt Nam có liên quan đến yếu tố con người. Và khi nào những “yếu kém”, “bất cập” nói trên chưa được giải quyết, không sớm giải quyết thì mối lo về an toàn của hành khách, mối lo ngại của dư luận về ngành hàng không Việt Nam vẫn còn thường trực!
NHẬT HUY