Trong cuối tuần qua, một thông tin được nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới công chức, viên chức. Đó là, Bộ Nội vụ vừa công bố Dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế.
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, trong 6 năm (2014-2020), cả nước sẽ tinh giản khoảng 100.000 biên chế. Trước thông tin này, nhiều người kỳ vọng vào tính khả thi của đề án. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Nghị định về tinh giản biên chế có thể triển khai ngay đầu năm 2015. Đề án này có nhiều giải pháp mạnh, hy vọng tinh giản biên chế sẽ đạt yêu cầu, mong muốn của nhân dân.
Việc tinh giản biên chế trong các đơn vị Nhà nước đã được thực hiện nhiều năm nay. Nhưng ở một số đơn vị bộ máy vẫn còn cồng kềnh. Có nơi, thủ trưởng vẫn còn vị nể nhận “con ông cháu cha” vào làm việc, mà không ít những người này trình độ, nghiệp vụ còn hạn chế, dẫn đến làm việc không hiệu quả. Thế nên mới có tình trạng, thiếu người có năng lực, mà thừa người làm không được việc. Khi tính đến việc tinh giản thì thủ trưởng không biết loại ai, vì nhìn lại những người thừa thuộc loại “gửi gắm”. Người nhiều nên chiếc bánh càng bị chia nhỏ, thu nhập của người lao động bị teo tóp.
Ai cũng biết, việc thực hiện tinh giản biên chế sẽ tạo tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương. Vì hiện nay, mức lương của công chức, viên chức vẫn còn khiêm tốn, chưa đủ trang trải cuộc sống.
Để đề án này thực hiện có hiệu quả, đúng thực chất, đòi hỏi người lãnh đạo phải có tâm và có tầm, sẵn sàng loại bỏ những người không có năng lực, tạo cơ hội cho người có trình độ được phát triển nghề nghiệp, cũng như góp phần thu gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công việc.
Mặt khác, để việc tinh giản đạt kết quả bền vững, khâu siết chặt tuyển chọn đầu vào cũng cần được chú trọng. Từ trước đến nay, sở dĩ một số đơn vị dư thừa cán bộ là do khâu quản lý đầu vào chưa chặt chẽ. Đề án lần này nhằm loại những công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Muốn như vậy, ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào, làm sao ở từng cơ quan, đơn vị xem xét, tuyển chọn người có năng lực, chứ không thể lệ thuộc vào việc “gửi gắm”, “quen biết”.
Thực hiện tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thu hút những người tài, có năng lực vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Vì thế, việc tinh giản biên chế phải gắn với việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm tinh giản đúng đối tượng, đúng vị trí; cách thức và tiêu chí đánh giá phải phù hợp với ngành nghề, công việc...
Có thể nói, đề án tinh giản biên chế được coi là quyết định mạnh mẽ của Chính phủ. Vấn đề cốt lõi trong tinh giản biên chế, đó là, làm thế nào để bảo đảm tính minh bạch và thực chất.
DÂN THƯỜNG