Lời hứa nhỏ không dễ lãng quên

Cập nhật: 04-06-2020 | 13:38:55

Nói “không muốn đối thoại theo kịch bản” khi gặp gỡ công nhân Công ty Foster (Bắc Ninh), Thủ tướng mời nữ công nhân ở góc khán phòng phát biểu. Câu trả lời không có trong “kịch bản” của chị mang lại niềm xúc động lớn cho người đứng đầu Chính phủ.

Thủ tướng hỏi thăm tình hình sản xuất và đời sống của công nhân Công ty Foster (Bắc Ninh), ngày 31/5/2020. Ảnh: VGP

Nữ công nhân kể trải qua ca mổ u não, thấy may mắn khi vừa bình phục là được doanh nghiệp tiếp nhận trở lại làm việc. Cuộc sống còn khó khăn, với mức lương nhận khoảng 9 triệu đồng/tháng, tốn kém không ít tiền chữa bệnh, nhưng khi được Thủ tướng hỏi có nguyện vọng gì, người nữ công nhân đó lại không nghĩ đến thứ gì cụ thể về vật chất.

Chị trả lời,  “nguyện vọng của cháu là năm sau cũng đúng dịp Tết công nhân như thế này chúng cháu lại được gặp Thủ tướng”. Thủ tướng rất xúc động, vì câu trả lời đã mang đến cho ông cảm nhận được rõ Chính phủ thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho công nhân.

4 năm trước, trong cuộc đối thoại đầu tiên với công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa năm nào cũng ít nhất một lần đối thoại cùng họ.

Với “cảm xúc của hôm đối thoại đầu tiên đó vẫn còn nguyên trong tôi, đó là nỗi canh cánh trong lòng với công nhân lao động, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước”, Thủ tướng giữ đúng lời hứa này, cho dù bận rộn đến đâu; cho dù có những lời “can gián” đối thoại chỉ là việc nhỏ, cần dành thời gian cho việc lớn hơn.

Chia sẻ về phương châm hành động của Chính phủ, “nghĩ xa, nhìn tổng thể, hành động nhanh, làm việc lớn bắt đầu từ việc nhỏ”, theo Thủ tướng, “có thường xuyên đối thoại, lắng nghe mới ra được chính sách đúng, trúng, kịp thời. Thành công của đất nước không thể không có vai trò của công nhân, Chính phủ luôn ra sức củng cố, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam mạnh về số lượng, tốt về chất lượng”.

Nhiều lần đối thoại với công nhân, có cuộc quy mô hàng nghìn người, có cuộc quy mô hàng trăm người và ít hơn nữa, cuộc nào cũng có quá nhiều điều công nhân muốn được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe, đồng cảm và tháo gỡ.

Thủ tướng nói, “không phải chỉ gặp gỡ, đối thoại, vỗ tay xong rồi thôi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính sẽ cố gắng giải quyết hết được những vấn đề lớn công nhân đặt ra với lộ trình, bước đi phù hợp”.

Sau lần đối thoại đầu tiên với công nhân vào năm 2016, để giải quyết nỗi bức xúc lớn nhất của công nhân lao động tại các khu công nghiệp là về nhà ở, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây các thiết chế công đoàn, xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân. Năm nào, trước khi đối thoại với công nhân, Thủ tướng cũng trực tiếp đi thị sát một số địa phương về triển khai Đề án này.

Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các cấp, các ngành, địa phương, công đoàn tích cực hơn nữa cùng Chính phủ quan tâm đến người lao động, lo bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng; đặc biệt là lo xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân, hỗ trợ nhà ở, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý… giảm bớt gánh nặng nhọc nhằn cho giai cấp công nhân.

Không chỉ các cuộc đối thoại với công nhân, trong 4 năm qua, có thêm nhiều điều nữa mà không ít người cũng coi là “chuyện nhỏ”. Nhưng Thủ tướng thì không.

Vào mùa hè năm 2016 xảy ra một sự vụ  mà người tham gia giải quyết sự vụ này gọi là “nhỏ như cái móng tay”. Đó là quán phở cà phê Xin chào, một hộ kinh doanh rất nhỏ ở TPHCM có nguy cơ mắc oan.

Sự việc đến tai Thủ tướng, ông lập tức có yêu cầu ngừng hình sự hóa theo đúng quy định pháp luật, theo đúng chức năng của cơ quan có thẩm quyền. Nếu lúc bấy giờ, không có sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng, chủ quán phở cà phê “Xin chào” hẳn đã phải đáo tụng đình.

Lo bất cứ lúc nào chuyện nhỏ “như cái móng tay” tương tự vậy có thể xảy ra, năm nào, Thủ tướng cũng đối thoại cùng doanh nghiệp. Ông không muốn bỏ lọt những tiếng kêu dù là nhỏ nhất.

Từ lời tuyên bố dân dã của Thủ tướng về mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiêp, “cây đa dựa thần, thần dựa cây đa”, doanh nghiệp Việt bắt đầu có những ngày tháng phấn chấn và đầy tự hào trong tâm thế ngẩng cao đầu đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.

Một ví dụ nữa về “chuyện nhỏ”. “Tiếp thị”, là cách nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để mô tả việc ông và các lãnh đạo Chính phủ trong mọi chuyến đi nước ngoài, đều giới thiệu sản phẩm nông sản Việt.

Không chỉ “tiếp thị” sản phẩm nông sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ còn “tiếp thị” mọi lĩnh vực có thế mạnh cho địa phương.

Thủ tướng đội nón lá Việt Nam để “tiếp thị” cho du lịch cố đô Huế. Đi bộ dọc khu phố cổ Hội An, Thủ tướng cười nói với người dân, “tôi đi để tiếp thị du lịch cho bà con nhé”. Làm việc với Lào Cai, Thủ tướng hứa “bận đến mấy cũng phải dành thời gian lên đỉnh Fansipan để tiếp thị cho du lịch tỉnh này”. Và quả nhiên ông làm như vậy.

Lặn lội đi khắp các tỉnh, thành để cùng địa phương “tiếp thị”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang đến sự tự tin cho các địa phương về lợi thế đặc biệt của họ.

Ông khẳng định, “tỉnh nào cũng có lợi thế để phát triển, khi các tỉnh ý thức được sức mạnh nội lực để gắng sức cùng cả nước thì cả nền kinh tế cũng theo đó ngày càng đi lên. Địa phương mạnh, Trung ương sẽ mạnh”.

Còn vào tháng 12 năm 2016, một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt lũ lịch sử, trong đó có Bình Định, tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tại địa phương này.

Ông hỏi một người phụ nữ đứng bên ngôi nhà đổ nát của chị ở xã An Xuyên 3, Phù Mỹ, “chính quyền địa phương có kịp thời đến hỗ trợ chị không?” Người phụ nữ trả lời Thủ tướng bằng cái gật đầu và chị lại gật đầu thêm lần nữa khi Thủ tướng hỏi các nhà hảo tâm, các cơ quan tổ chức có tới giúp đỡ gia đình chị.

Vẻ mặt ngơ ngác buồn của người nông dân sau cơn chạy lũ thoáng một nụ cười của niềm lạc quan khi Thủ tướng hỏi thêm chị về việc xây dựng lại căn nhà.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung cứu dân, không để người dân bị đói, khát, dịch bệnh. Không để người dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Thủ tướng cho rằng, “mặc dù không ai mong muốn, nhưng phòng chống mưa lũ cũng chính là điều kiện để thử thách khả năng lãnh đạo của các địa phương, xem các đồng chí có sát dân không, có sáng tạo không, có quyết liệt không, có thực tâm chăm lo cho dân không”.

Bàng hoàng vì “cơn lũ khủng khiếp”, lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết với Thủ tướng, “nỗ lực đảm bảo điều kiện tốt nhất để giúp người dân trở về cuộc sống thường nhật”.

Không thể yên tâm mỗi khi nghĩ đến vẻ mặt buồn ngơ ngác của người nông dân Bình Định, kể từ đó, năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng giữa năm, trước khi bước  vào mùa mưa bão, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống thiên tai để nghe các địa phương trực tiếp báo cáo; để hỏi trực tiếp các địa phương đã sẵn sàng thực tâm chăm lo chống bão lũ cho dân.

“Đất nước chúng ta “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, sống chung với thiên tai, các cấp chính quyền phải nhận trách nhiệm chính; để dân đói, rét là trách nhiệm của chính quyền”, theo Thủ tướng,  “thăm hỏi khi dân gặp thiên tai cũng tốt nhưng cảnh báo và giúp dân chủ động ứng phó để hạn chế thấp nhất rủi ro vì thiên tai thì tốt hơn”.

Việt Nam đang phấn đấu trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Bước trên hành trình đầy tham vọng này, vừa cần những bản chiến lược đồ sộ, vừa cần cả những điều giản dị hơn.

Trong dòng chảy của thời gian, có tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương và lòng trắc ẩn, những lời hứa dù nhỏ cũng không dễ rơi vào lãng quên. Điều đó sẽ góp phần làm nên một quốc gia không chỉ giàu có mà còn là một quốc gia hạnh phúc./.

Theo chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=739
Quay lên trên