Lợi thế “sân nhà”…

Cập nhật: 16-09-2022 | 08:32:28

“Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” là chủ đề của hội thảo do UBND tỉnh phối hợp với Cục Công nghiệp, Bộ Công thương tổ chức tại Bình Dương chiều qua (15-9). Quy mô của hội thảo cùng những chủ đề cốt lõi về sản xuất, kinh doanh trong chặng đường mới với những tham luận giá trị đến từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) lớn trong và ngoài nước chắc chắn sẽ gợi mở ra những đối sách phù hợp để phát triển một nền công nghiệp bền vững, giá trị cao.

Dòng chảy đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sang khu vực châu Á trong thời gian vừa qua đã là cơ hội được nhìn thấy. Cùng với đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nước suốt thời gian dịch bệnh căng thẳng đã đặt ra bài toán khó, cần phải giải quyết nếu muốn phát triển nền sản xuất công nghiệp bền vững.

Bình Dương là địa phương thu hút mạnh nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.000 DN đầu tư nước ngoài, hơn 58.000 DN trong nước, đó là những con số ấn tượng. Đặc biệt dù trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh trong hơn hai năm qua, thu hút đầu tư, số DN thành lập mới vẫn không ngừng tăng. Không chỉ tăng nhanh số vốn đầu tư thu hút được, Bình Dương còn đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mạnh vốn liếng, giàu kinh nghiệm, có công nghệ, kỹ thuật cao đến đặt bản doanh phát triển.

Báo cáo của Sở Công thương cũng cho biết, toàn tỉnh có gần 2.300 DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp hỗ trợ, trong đó có nhiều DN thuộc các ngành xuất khẩu chủ lực như chế biến gỗ 953 DN, cơ khí 710 DN, dệt may 442 DN, da giày 172 DN... Đáng tiếc, vì rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung ứng nguyên phụ liệu trong tỉnh chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong chuỗi cung ứng, phần lớn các DN sản xuất đều phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh với nhiều tên tuổi lớn, công nghiệp Bình Dương cũng phát triển mạnh với nhiều ngành chủ lực, DN công nghiệp hỗ trợ cũng đã có nhiều DN tham gia. Cùng với đó, Bình Dương cũng đã triển khai các đề án tầm cỡ: Thành phố thông minh, Vùng đổi mới sáng tạo, Khu công nghiệp Khoa học công nghệ… Tất cả có thể coi là lợi thế không hề nhỏ của các DN nội địa nếu có chính sách, chiến lược khai thác, phát huy.

 TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=382
Quay lên trên