Dù đã qua thời hạn phải hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động (CNLĐ) theo Quyết định số 08/2022/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay vẫn còn nhiều hồ sơ của người lao động chưa được giải quyết; tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 60%, đặc biệt là tỷ lệ nộp hồ sơ thấp so với dự kiến. Đây là nhận định của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại phiên họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội được tổ chức hôm qua (13-9).
Một lý do dẫn đến tình trạng chậm giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho CNLĐ được chỉ ra là do tình hình dịch bệnh nên có những địa phương lập danh sách và thống kê dư ra, tính cả đối tượng lao động không có quan hệ lao động mà thuê nhà ở. Bên cạnh đó, dự kiến kinh phí tính toán hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà, nhưng thực tế nhiều lao động chỉ có 1 tháng thuê nhà nên chi phí giảm đi. Đối tượng CNLĐ quay trở lại thị trường lao động dự tính cao nhưng thực tế lại thấp…
So với tình hình chung của cả nước, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho CNLĐ khá cao, đến nay đạt khoảng trên 80%. Một số địa phương đã hoàn thành việc giải ngân gói hỗ trợ, các địa phương còn lại do gặp phải một số vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ. Hiện công tác giải ngân gói hỗ trợ này đang được ngành chức năng địa phương tập trung đẩy mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế cũng phát sinh một số khó khăn ảnh hưởng đến quá trình giải ngân gói hỗ trợ này. Đó là tình trạng một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng để đưa khoản tiền hỗ trợ đến với CNLĐ.
Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho CNLĐ là một chính sách thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với CNLĐ trong bối cảnh đời sống, việc làm đang gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một khoản hỗ trợ để trang trải tiền thuê nhà đối với CNLĐ lúc này có ý nghĩa lớn, giúp họ giảm bớt phần nào khó khăn; đồng thời có thêm động lực để thi đua sản xuất, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Do đó, cần có sự quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh để khoản hỗ trợ này nhanh chóng đến tay CNLĐ. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, các doanh nghiệp cũng phải chủ động phối hợp trong quá trình thực hiện giải ngân. Bởi, chăm lo, hỗ trợ cho CNLĐ cũng là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, có như vậy CNLĐ mới yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp, chung sức đồng lòng vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
ĐÀM THANH