Sau Lâm Đồng và Yên Bái, đến lượt Quảng Ngãi “tuyên chiến” với tham nhũng khi công bố sẽ mua tin tố giác tham nhũng và những tài liệu, chứng cứ có giá trị liên quan đến tham nhũng với mức giá cao nhất lên đến 10 triệu đồng.
Theo quy định của Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ngãi, tùy tính chất, mức độ của từng vụ việc, chất lượng thông tin, Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ngãi sẽ chi từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng mỗi tin tố giác tham nhũng. Đi kèm với đó là bí mật và nhân thân của người cung cấp thông tin tố giác tham nhũng sẽ được tuyệt đối bảo đảm.
Có thể nói mua tin tố giác tham nhũng là cách làm hay, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người thì thông tin về tham nhũng có thể không thiếu, nhưng lâu nay vẫn thiếu người cung cấp thông tin tố giác tham nhũng là do phía cung cấp thông tin tố giác tham nhũng sợ bị chèn ép, bị trả thù… Do vậy, khâu quan trọng nhất trong vấn đề chống tham nhũng vẫn là cách thức tiếp nhận, bảo mật thông tin về người tố giác và kết quả xử lý vụ việc. Người cung cấp thông tin có thể không cần tiền, nhưng vấn đề mà họ cần là thông tin họ cung cấp liệu có được bảo mật, bởi đã có rất nhiều trường hợp, ở nhiều địa phương khác nhau, người cung cấp thông tin tố giác tham nhũng bị trù dập đến “lên bờ xuống ruộng” do phía tiếp nhận để rò rỉ thông tin về người tố giác.
Mặc dù các địa phương nói trên đều cam kết bí mật và nhân thân của người cung cấp thông tin sẽ được bảo đảm tuyệt đối, nhưng để người dân tin tưởng, cần có những quy định cụ thể hơn về việc xử lý người có trách nhiệm tiếp nhận thông tin nếu để thông tin về người tố giác lọt ra ngoài. Từ thực tế những vụ tham nhũng được phanh phui cho thấy, người có điều kiện tham nhũng hầu hết là những người có chức, có quyền. Còn phía tố giác tham nhũng đa phần vẫn là những cán bộ, công chức hoặc người dân bình thường. Việc để rò rỉ thông tin về người tố giác sẽ làm liên lụy đến công việc, gia đình và có khi cả tính mạng của người tố giác, nên sẽ khó khuyến khích người dân cung cấp thông tin tố giác tham nhũng nếu không có cơ chế bảo mật đối với người tố giác.
Một vấn đề khác cũng được phía những người cung cấp thông tin tố giác tham nhũng đặc biệt quan tâm là kết quả xử lý vụ việc. Nếu vụ việc không được xử lý thấu đáo hoặc xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, để người bị tố giác có điều kiện quay lại trả thù người tố giác, thì cũng không khuyến khích được mọi người cung cấp thông tin tố giác tham nhũng, kể cả khi thông tin được mua với giá cao. Bên cạnh đó, tại mỗi địa phương cần có ít nhất là 2 đơn vị tiếp nhận thông tin tố giác tham nhũng độc lập cùng song song vận hành, để tránh tình trạng người tiếp nhận thông tin tố giác tham nhũng chính là người trực tiếp tham nhũng bị tố giác.
Mua tin tố giác tham nhũng là cách làm hay nhưng vẫn còn đó những hạn chế. Phải loại trừ những nghi ngại từ phía cung cấp thông tin tố giác tham nhũng bằng những quy định bảo mật cụ thể, xử lý vụ việc thấu đáo, mới mong tiếp nhận được ngày càng nhiều hơn thông tin tố giác tham nhũng.
LÊ QUANG