Năm 2012: Trọng tâm là kiềm chế lạm phát, tăng hiệu quả đầu tư

Cập nhật: 03-11-2011 | 00:00:00

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII cho thấy, sau 9 tháng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8 - 6%, những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2011 bước đầu đã chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, theo các ý kiến từ nhiều chuyên gia kinh tế, những bất ổn về lạm phát, tính hợp lý và hiệu quả đầu tư công cần phải được Chính phủ tập trung chỉ đạo điều hành để tái cấu trúc lại mô hình tăng trưởng...

CPI phải dưới 10%

 

10 tháng qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành sản xuất giày da vẫn phát triển ổn định

Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện đang ở mức 18,7%; chỉ số CPI tháng 9 tăng 0,82%, thấp nhất trong vòng 12 tháng qua; lãi suất ngân hàng đã giảm dần những tháng gần đây, xuất khẩu dự kiến cả năm đạt 31,6%, cao so với chỉ tiêu 10% theo nghị quyết của Quốc hội. Nhập siêu, bội chi ngân sách được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu đề ra, thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Thu ngân sách vượt so với dự toán, nhờ tăng thu nên khả năng bội chi ngân sách đạt dưới 4,9% GDP, giảm 0,4% GDP so với kế hoạch.

Dưới ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế thế giới và những bất ổn của kinh tế vĩ mô, thời gian qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn nước ngoài thường xuyên. Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, hiệp hội này cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp hoàn thiện đề án Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nền kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc, lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, xu hướng nợ xấu trong tín dụng gia tăng, lãi suất tại ngân hàng vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những bất cập này cần được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm và đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn. Theo tiến sĩ Trần Du lịch, kinh tế nước ta luôn lặp lại chu kỳ: Lạm phát - suy giảm - lạm phát. Do đó, Chính phủ cần có những giải pháp hài hòa giữa ổn định kinh tế vĩ mô với kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với tăng trưởng bền vững. “...Do chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa, chúng ta đã giảm được chỉ số CPI nhưng mức giảm hàng hóa vẫn chưa khả quan. Do đó, trong năm 2012, Chính phủ cần phấn đấu giảm lạm phát xuống còn 1 con số, còn nếu như chỉ số CPI vẫn ở mức 2 con số như hiện nay thì chúng ta sẽ mất hết những thành quả kinh tế đã đạt được trong nhiều năm qua...”, ông Lịch cho biết. Nhiều ý kiến chuyên gia khác đều cho rằng năm 2012, nhất thiết Chính phủ phải đưa chỉ số CPI về mức 1 con số. Xa hơn, trong giai đoạn 2013-2015, chỉ số CPI chỉ nên ở mức 5 - 7%.

Nâng hiệu quả đầu tư công

 Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, chính sách tiền tệ và tài khóa, thắt chặt đầu tư công vẫn chưa đạt được như kế hoạch đề ra. Đầu tư công vẫn tăng tới 15%, với 23.000 tỷ đồng. Cụ thể là trong một năm, cả nước phê duyệt trên 20.000 dự án, trong đó có 15.000 dự án tiếp tục đầu tư, hơn 5.400 dự án đầu tư mới. Còn theo nhận định từ hội thảo “Đổi mới thể chế, cơ chế và giải pháp tái cấu trúc đầu tư công” do Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tổ chức, cho thấy, trong khi tỷ trọng đầu tư công so với GDP ở hầu hết các nước trong khu vực có chiều hướng giảm thì tỷ lệ này của Việt Nam lại tăng mạnh. Tuy còn rất nghèo vì GDP tính trên đầu người của Việt Nam vẫn thấp so với các nước lân cận nhưng chúng ta lại đang thực hiện một mô hình kinh tế tiết chế tiêu dùng để tích lũy và đầu tư ở mức độ thuộc loại cao nhất Đông Á và Đông Nam Á. Hiện, tỷ lệ đầu tư của Việt Nam chiếm tới 40% GDP, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2011 là 131.364 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước mặc dù các bộ, ngành đang nỗ lực cắt giảm đầu tư công. So sánh tốc độ tăng GDP và tốc độ tăng vốn đầu tư tính bình quân hàng năm do Viện Kinh tế Việt Nam tiến hành cũng chứng thực: tốc độ tăng vốn đầu tư ở cả nước và trong các khu vực đều cao gấp 2 lần so với tốc độ tăng GDP. Cụ thể, khu vực FDI là 19,8%, kinh tế Nhà nước 15%, khu vực Nhà nước 11%. Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, hiện cả nước có 50 tỉnh không chủ động được ngân sách, luôn phụ thuộc ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, khi vẫn chạy theo tăng trưởng GDP thì các địa phương vẫn phải tăng cường đầu tư nhưng rõ ràng tăng trưởng mà không có nguồn lực, phải đi vay nước ngoài nhiều thì sẽ có thêm nhiều rủi ro.

Đồng quan điểm này, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, Chính phủ cần đưa ra quy định nợ công đến mức nào, ngưỡng nào là an toàn. Với điều kiện kinh tế như nước ta hiện nay, không thể không vay tiền nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng phải bảo đảm chắc chắn đầu tư có hiệu quả vì hiện nay, không chỉ có nhiều dự án đầu tư trong khối doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả mà ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng chậm phát triển. Nguyên nhân là do sự hấp thụ, phát huy các dự án kém hiệu quả; nguồn nhân lực, năng lực quản lý các dự án còn yếu kém. Do đó, nếu không nâng cao năng lực quản trị các dự án đầu tư, nợ công của nước ta sẽ ngày càng tăng lên.

THÀNH SƠN

 

Tiến sĩ Mai Hữu Tín, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: Cơ hội tăng trưởng khá mong manh...

Phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII tiến sĩ Mai Hữu Tín, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, Chính phủ đã nhận thức được chính xác những thách thức với nền kinh tế và đang có các giải pháp phù hợp để có thể sớm thoát khỏi các khó khăn hiện tại và tiếp tục phát triển ổn định hơn, bền vững hơn.

Tuy nhiên, ông Tín lo ngại tình hình kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong tương lai. “...Dù lãi suất tại Mỹ hiện rất thấp và nếu tính luôn cả trượt giá thì đã ở mức âm nhưng doanh nghiệp Mỹ vẫn không dám đầu tư. Tình hình khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang trở nên tồi tệ hơn và họ đã phải chấp nhận sự hỗ trợ của Trung Quốc, nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về thị trường. Cơ may tăng trưởng của chúng ta trong thời gian gần, với tình hình của các thị trường chính như vậy, theo tôi, khá mong manh...”, tiến sĩ Mai Hữu Tín nhìn nhận.

Cũng theo ông Tín, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng tạo việc làm lớn nhất của nền kinh tế, đã phải chịu quá nhiều khó khăn trong suốt 3 năm qua và đặc biệt là trong năm 2011 này. Do đó, nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn từ Chính phủ, nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15%/năm và lạm phát xuống dưới 10%/năm, có thể phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau 1 năm nữa và gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% cho năm 2012 là để giải quyết việc làm nhưng theo ông Tín, việc quan trọng hơn rất nhiều là phải kéo được mức tăng giá tiêu dùng về dưới 10% cho năm 2012 và những năm sau đó.

ĐÀM THANH (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên