Nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nêu rõ: “Giai đoạn 2015-2020, Bình Dương tiếp tục thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) phù hợp với một tỉnh đang có tốc độ đô thị hóa cao; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông…”. Qua 5 năm thực hiện nghị quyết, nông thôn Bình Dương đã đổi thay, đặc biệt là các tuyến đường nông thôn với tiêu chuẩn sáng, xanh, sạch, đẹp.
Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016- 2020 có 19 tiêu chí, trong đó giao thông chỉ là 1 trong 19 tiêu chí thành phần nhưng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đi trước, mở đường. Giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, kết nối giao thương. Giao thông là điều kiện đầu tiên để kêu gọi xã hội hóa thực hiện một số tiêu chí còn lại trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Giao thông cũng là tiêu chí khó thực hiện nhất nếu thiếu các điều kiện về kinh phí, đất đai để mở rộng các tuyến đường và sự đồng thuận của người dân…
Xác định rõ tầm quan trọng của giao thông và độ khó của việc hoàn thành tiêu chí giao thông, trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực cho giao thông. Với sự vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ của chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể, hàng loạt tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) có sẵn đã được duy tu, sửa chữa, nâng cấp bê tông hoặc thảm nhựa. Nhận thấy nông thôn khởi sắc hơn hẳn sau khi các tuyến đường được nâng cấp đưa vào sử dụng, những hộ dân trước đây còn nghi ngờ đã đồng thuận cùng chính quyền địa phương làm đường. Hiến đất, cây trồng, công trình trên đất và đóng góp tiền bạc, công sức để mở đường đã trở thành phong trào, lan tỏa mạnh mẽ ở nông thôn. Nhờ vậy, đường làng, ngõ xóm theo đó từng bước được mở rộng, nâng cấp.
Không dừng lại ở việc làm đường, người dân nông thôn còn từng bước tính tới việc làm đẹp cho các tuyến đường. Muốn có tuyến đường đẹp, người dân trồng thêm cây xanh, trồng hoa ven đường. Đẹp thôi chưa đủ mà đường phải sáng, vậy là người dân tự nguyện đóng góp kéo điện thắp sáng đường quê. Phong trào thắp sáng đường quê theo đó lan tỏa, từ một hai tuyến đường ban đầu đến nay toàn tỉnh đã có hàng trăm tuyến đường được thắp sáng vào ban đêm thông qua phong trào này. Đối với những vùng quê còn nghèo, Đoàn Thanh niên, tuổi trẻ các đơn vị cùng vào cuộc vận động thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê”.
Con số 80% các tuyến đường GTNT được thảm nhựa, bê tông có đèn chiếu sáng là kết quả của việc “Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông…” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra. 20% tuyến đường GTNT còn lại tuy đã đạt tiêu chuẩn sạch, đẹp nhưng chưa đạt tiêu chuẩn sáng, xanh. Với nội lực từ người dân và sự lan tỏa từ các phong trào, tin chắc rằng các tuyến đường này sẽ hoàn thành các tiêu chuẩn sáng, xanh trong nay mai.
LÊ QUANG