Chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một trong những gợi ý, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi tọa đàm khoa học “Thực trạng mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương và ý nghĩa trong tiến trình đổi mới đất nước” vừa được Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp tổ chức. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế, tạo sự bứt phá, vươn lên mạnh mẽ hơn cho địa phương trong giai đoạn mới.
Thành tựu của Bình Dương sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển được coi là một “kỳ tích” trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với tư duy và cách làm sáng tạo, tỉnh đã trở thành điểm sáng của cả nước về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là thu hút FDI; hình thành các khu công nghiệp tập trung kiểu mẫu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa và nâng cao đời sống nhân dân…
Tuy vậy, theo các chuyên gia, nhà khoa học, bên cạnh những thành tựu to lớn, thực trạng phát triển tại Bình Dương đến thời điểm này cũng đang bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể là kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng vẫn theo chiều rộng, thâm dụng lao động, phụ thuộc khá nhiều vào FDI, năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư chưa cao, chất lượng tăng trưởng còn thấp… Đây cũng chính là những dấu hiệu cho thấy “bẫy thu nhập trung bình” đang ở trước mắt. Do đó, để tiếp tục vươn lên tầm cao mới, Bình Dương cần tiên phong trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nghĩa là bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao; từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Trên thực tế, thời gian qua Bình Dương cũng đã, đang chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đó là việc tính toán chuyển đổi công năng một số khu công nghiệp nhằm cải thiện, nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; đó là chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án có hàm lượng khoa học cao, công nghệ sản xuất tiên tiến, ít thâm dụng lao động, hướng đến phát triển bền vững…
Đặc biệt, đổi mới mô hình tăng trưởng, Bình Dương đang tập trung hình thành, phát triển hệ sinh thái công nghiệp mới, thông minh; trong đó chuyển mạnh tăng trưởng kinh tế dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực. Đây chính là nền tảng để tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế, bứt phá vươn lên, thoát “bẫy thu nhập trung bình”…
ĐÀM THANH