Người dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vừa trải qua một cơn “thất thần” sau khi “trúng đòn” của kẻ tung tin đồn nhảm rằng có sóng thần sắp ập vào khu vực này. Sự việc đã khiến hàng trăm người hốt hoảng, tích trữ lương thực rồi kéo nhau lên núi cao lánh nạn ngay trong đêm 10-9. Đến khi chính quyền địa phương chỉ đạo Đài truyền thanh huyện phát tin khẳng định đây là “tin vịt” thì sinh hoạt của người dân mới dần trở lại bình thường, tuy nhiên thủ phạm tung tin đồn thất thiệt này là ai thì vẫn... chưa xác định được.
Những ngày đầu tháng 9-2011, bắt nguồn từ Quảng Bình cũng rộ lên tin đồn gây hoang mang cho người dân là ăn gạo giống P6 đột biến sẽ... gây vô sinh. Mặc dù cơ quan chức năng đã lên tiếng trấn an người dân, các nhà khoa học trực tiếp chọn tạo ra giống lúa này cũng lên tiếng khẳng định đây chỉ là tin đồn thất thiệt, nhưng thiệt hại của nó để lại là rất đáng kể: Nhiều hộ phải chất lúa cao như núi do không bán được, bị thương lái ép giá, bị nợ nần không có tiền trang trải... Đáng ngại hơn, do tin đồn thất thiệt vẫn còn làm nông dân hoang mang lo lắng nên kế hoạch đưa ra sản xuất đại trà giống lúa P6 đột biến cho năng suất cao, rút ngắn thời gian thu hoạch trong vụ tới mà địa phương đang bàn tính có khả năng khó thực hiện.
Đây không phải là những lần đầu nạn tung tin đồn nhảm mới xuất hiện. Cách đây không lâu đã từng có nhiều “tin vịt” gây thiệt hại lớn về kinh tế và xáo trộn đời sống người dân như giá gạo Việt Nam sẽ tăng cao do xuất khẩu hết ra nước ngoài, mây phóng xạ ở Nhật Bản sẽ tràn vào Việt Nam, rồi ăn cá rô đầu vuông bị ung thư, Nhà nước phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng... Có thể dễ dàng nhận thấy, đây là loại “công cụ” lợi hại được tung ra với mục đích gây nhiễu loạn xã hội mà người thực hiện chính là các thế lực chống phá hoặc các đối tượng xấu. Trên cơ sở xác định như vậy, cần có biện pháp phòng tránh, ngăn chặn tin đồn thất thiệt một cách chủ động, kịp thời hơn, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, các phương tiện phát tán thông tin rất đa dạng và cũng còn nhiều kênh chưa thể kiểm chứng hết như hiện nay.
Do có ưu thế là hiệu ứng đám đông nên tin đồn thất thiệt có tốc độ lan truyền rất nhanh, việc xử lý nếu chậm một ngày, một giờ có thể để lại hậu quả xấu. Vì thế, đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm chính trong tin đồn thất thiệt phải khẩn trương xác minh và công bố ngay thông tin chính thống trước công luận trong thời gian sớm nhất và qua phương tiện truyền tải nhanh nhất. Đừng vì quá dè dặt hoặc cứng nhắc theo trình tự thủ tục hành chính mà để cho thông tin xấu có điều kiện lan truyền rộng và “biến dạng” rồi mới công bố thông tin chính thức. Đây là điều cần cải tiến vì trong nhiều vụ việc vừa qua, nhiều nơi còn xử lý thông tin theo thói quen trông chờ vào văn bản hành chính, khi văn bản đến nơi thì sự việc đã rồi. Tâm lý của người dân thường thiếu tỉnh táo và dễ bị rơi vào hành động cảm tính theo hiệu ứng đám đông, do vậy nếu làm tốt công tác thông tin tuyên truyền thì thông tin chính thống sẽ đến với người trong cuộc một cách đầy đủ, thuyết phục và nhanh chóng hơn, từ đó giảm thiểu hậu quả và đánh tan thông tin thất thiệt gây hoang mang người dân.
Q.MINH