Vui là bởi những dòng thông tin nóng hổi cho biết, tính đến giữa tháng 9-2012 đã có 7 mặt hàng nông sản gia nhập nhóm “xuất khẩu tỷ đô” bao gồm thủy sản, lúa gạo, cà phê, cao su, đồ gỗ, khoai mì, hạt điều. Không những cán đích trước thời gian, nhiều nhóm nông sản còn vượt kế hoạch khá cao, có nhóm đạt giá trị xuất khẩu tới 3 tỷ USD. Một đất nước có tới gần 80% dân số sống bằng nông nghiệp, vai trò kinh tế nông nghiệp khá quan trọng trong cơ cấu GDP và mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước là lẽ đương nhiên. Nhưng lại phải vui bởi lâu lắm rồi nông sản Việt Nam luôn chịu lép vế khi bước ra thương trường quốc tế bởi nhiều lý do. Hiện tại yếu điểm đó vẫn chưa khắc phục hết, nhưng ít nhiều những con số vừa nêu đã phần nào chứng minh giá trị nông sản Việt đã được nâng lên thấy rõ, bên cạnh đó là năng suất, sản lượng ngày một nâng cao.
Vui là vậy và vẫn mong muốn niềm vui ngày càng nhân rộng. Nhưng lại phải nói về nỗi buồn nhiều hơn, bởi thực tế hiển nhiên không thể nói khác. Trong chuỗi giá trị ngoại tệ mà nông sản mang về cho đất nước có vai trò trung gian quan trọng của những doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng điều đáng buồn là nhiều doanh nghiệp vì cái lợi trước mắt đã cố “chèn ép” nhau về giá xuất khẩu hòng kiếm được những hợp đồng trong thời buổi kinh tế khó khăn. Chính lý do đó đã không nâng cao được giá cả của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nói theo cách của các chuyên gia là có nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đóng vai trò chủ lực trên thị trường thế giới nhưng vẫn chưa thể hiện được vị thế của “người quyết định” chi phối. Chưa dừng lại ở đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu từ chỗ “chèn ép” nhau bằng giá cả, sau đó quay lại chèn ép giá thu mua của nông dân, quả đúng là thiệt hại dây chuyền và cuối cùng là thiệt hại cho nền kinh tế đất nước!
Nghịch lý nông sản - nông dân mà Lăng kính cuối tuần muốn nói chính là vậy. Lẽ nào vấn đề sản xuất, xuất khẩu nông sản cứ mãi phải chấp nhận cảnh “gà nhà đá nhau” để rồi tất cả phải chịu thiệt thòi. Thương nhất vẫn là người nông dân bao đời mưa nắng, nâng cao cuộc sống cho họ bằng cách “chia sẻ lợi ích” từ sản phẩm mà họ đánh đổi bằng mồ hôi công sức là trách nhiệm chung, nhưng trước hết chính là các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu nông sản Việt Nam.
CẢNH HƯỞNG