Trên các phương tiện truyền thông những ngày qua hẳn bạn đọc đã phần nào hiểu thêm về sự vất vả của người miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh vùng cao khi đông về, rét đến. Hình ảnh những trẻ em vùng cao trong chiếc áo mỏng manh, đầu trần, chân đất để đến trường trong những ngày giá rét đã lay động bao trái tim người dân cả nước.
Và mỗi khi đã đồng cảm thì hành động để sẻ chia là lẽ tự nhiên trong cuộc sống này. Bởi vậy mà những chiếc “áo ấm mùa đông” hay “áo tết tặng bạn” đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. Những chiếc áo ấy dù mới hay cũ, dù nhiều hay ít đều mang nặng nghĩa tình.
Đã có nhiều, rất nhiều những chương trình, những chính sách cho người vùng cao, cho trẻ em vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn nhưng có lẽ ở những nơi đó vẫn cần nhiều hơn thế những tấm lòng của người dân cả nước. Bạn, tôi và nhiều người khác nữa thật khó ghìm được xúc cảm khi tiếp cận những hình ảnh của trẻ em vùng cao trọ học trong những túp lều xiêu vẹo, ăn những bữa cơm đạm bạc giữa núi rừng miền biên viễn. Cũng ở những nơi ấy có bao tấm lòng của những thầy giáo, cô giáo đã bớt cả phần cơm của mình để san sẻ cho học trò, trích cả tiền lương ít ỏi để mua áo ấm cho các em, có nghĩa tình nào cao hơn thế nữa!
Xúc cảm, động lòng nên đã có nhiều những tấm lòng mang chút tít tình cảm đến với các chương trình giàu ý nghĩa dành cho người vùng cao, cho trẻ em vùng biên giới. Đó có thể là những đồng tiền tích góp của người lao động bình thường, đó cũng có thể là những chiếc áo lạnh cũ mà người ở phố, người đủ đầy không còn sử dụng, nhưng với trẻ em nghèo nơi núi cao là cả một sự mong chờ.
Mùa đông miền Bắc lạnh lẻo và người phương Nam cảm thấy “lạnh lòng”! Hãy làm một việc gì đó để “sưởi ấm” trẻ em vùng cao phía bắc thì sẽ thấy lòng mình ấm lại, một đồng nghiệp từ vùng cao phía bắc trở về đã nói vậy. Vâng, xuân đang về trên khắp phố phường, nương rẫy, đang hiện hữu trên mọi nẻo đường, góp một chút lòng cho người vùng cao, cho trẻ em nơi miền sơn cước cũng chính là mang xuân ấm áp đến cho mọi nhà.
CẢNH HƯỞNG