Việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thắng lợi của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một lần nữa khẳng định sự lựa chọn chế độ chính trị của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 80 năm qua, đồng thời khẳng định con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã được ghi trong Cương lĩnh 1991 và 2011 của Đảng.
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là kết quả của hai thập niên xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, hội nhập quốc tế của đất nước. Đó cũng là đòi hỏi cấp bách từ thực tế cuộc sống nhằm xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân; khẳng định hơn nữa quyền con người phù hợp với tập quán và luật pháp quốc tế, quyền công dân của nước CHXHCN Việt Nam đang không ngừng lớn mạnh và hội nhập thành công. Chỉ có thực lực như ngày hôm nay, chúng ta mới có thể ghi vào Hiến pháp những quyền lợi và nghĩa vụ mà mọi con người, mọi công dân Việt Nam có quyền được hưởng trên thực tế. Chỉ với trình độ dân chủ như hiện nay, chúng ta mới có thể ghi vào Hiến pháp những quyền và nghĩa vụ của mọi công dân, mọi tổ chức Nhà nước như trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Thời gian lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ 2-1 đến 31-3-2013. Để việc lấy ý kiến nhân dân bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân các cấp cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 và kết luận Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần đưa nội dung này vào sinh hoạt của chi bộ, Đảng bộ để quán triệt trong toàn thể đảng viên về mục đích, quan điểm, định hướng trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, lãnh đạo tổ chức, đơn vị bám sát Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội và kế hoạch lấy ý kiến nhân dân của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ ở cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp, mở chuyên trang, chuyên mục về dự thảo sửa đổi Hiến pháp để phản ánh kịp thời ý kiến đóng góp của nhân dân…
Cùng với kêu gọi, động viên người dân tích cực, tâm huyết với việc góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, cũng cần có những thể chế cụ thể có hiệu quả để bảo đảm mọi ý kiến đều được tôn trọng, ghi chép, tổng hợp và phản ánh đầy đủ lên cơ quan chỉ đạo và tổ chức cao nhất, để cuộc “trưng cầu dân ý” này không chỉ góp phần hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mà còn là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa từ cán bộ đến người dân, từ Trung ương tới cơ sở.
MAI HUY