Yêu thương con người

Cập nhật: 08-01-2013 | 00:00:00

Em sinh viên luôn sống hết lòng vì mọi người ấy tên là Phạm Đức Linh, sinh viên năm cuối Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, cũng là con trai duy nhất trong một gia đình nghèo ở thành phố Tân An, tỉnh Long An. Sự việc xảy ra vào lúc 1 giờ sáng 25-12-2012, một nhóm thanh niên sau khi tàn cuộc nhậu từ TX.Dĩ An, Bình Dương trên đường về TP.HCM thì rủ nhau xuống quận Thủ Đức chơi. Khi đi ngang một giao lộ thì xe máy của 1 thanh niên trong nhóm này va chạm với xe máy của một đôi nam nữ, giữa 2 bên đã xảy ra tranh cãi, sau đó nhóm thanh niên nói trên bỏ đi. Lúc này, Phạm Đức Linh cùng 2 người bạn ngồi uống nước gần đó thấy vậy liền chạy ra giúp đỡ dìu nạn nhân đứng dậy, giúp họ dựng xe vào lề đường…

Chỉ vì hành động giúp đỡ người khác mà vài phút sau khi nhóm thanh niên quay trở lại, thấy Linh đứng tại hiện trường, chẳng cần hỏi han gì họ đã dùng đá xanh, gạch, cây đả thương Phạm Đức Linh. Mặc dù khi được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy, em Linh đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do vết thương quá nặng (sọ bị nát vỡ, nhiều mảnh vụn găm vào não) nên em Phạm Đức Linh đã qua đời sau đó 3 ngày…

Cái chết của một sinh viên là đứa con ngoan hiền, một thanh niên sống tình nghĩa, hết lòng vì mọi người làm cho không chỉ gia đình, nhà trường, bạn bè mà cả mọi người không quen biết, chưa hề gặp mặt cũng bày tỏ lòng tiếc thương em Linh trong những ngày qua. Càng thương tiếc Phạm Đức Linh mọi người càng thêm căm phẫn những thanh niên hung hãn đã cướp đi mạng sống và cuộc đời đầy hứa hẹn với những dự định trong tương lai của một sinh viên.

Cái chết của Linh càng cảnh báo cho chúng ta rằng việc hành xử thiếu đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên đang đến hồi báo động: chỉ một cái va chạm vô tình, một vụ va quẹt xe nhỏ, những ánh nhìn vô tình bị cho là nhìn đểu, để lấy điểm trước bạn gái… mà nhiều thanh thiếu niên đã có những cách hành xử ngông cuồng, thiếu đạo đức có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, mạng sống của người khác một cách vô tội vạ. Vấn nạn bạo lực đã và đang góp phần làm ảnh hưởng đến trật tự, an ninh cho cộng đồng và xã hội.

Từ xưa các trường học vốn thuộc lòng câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Hay câu “dạy chữ phải song hành với dạy người”. Vấn đề cần đặt ra ở đây là gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm đến việc dạy làm người, biết thương yêu đồng loại trước cho con em, học trò chúng ta. Thực tế thời gian qua, có lúc, có nơi, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh còn bị xem nhẹ, hoặc chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, chuyện bạo lực học đường và bạo lực ngoài cổng trường đã xảy ra nhiều nơi làm cộng đồng xã hội phải lo ngại và lên tiếng… Có một thực tế, những kiểu hành xử côn đồ, cướp giật… thường rơi vào những người thiếu sự giáo dục từ gia đình và nhà trường do không được học đến nơi đến chốn. Đây là vấn đề khá nhạy cảm mà xã hội và các cấp, ngành quản lý và gia đình cần quan tâm. Thực tế, vấn đề dạy người không thể giao hoàn toàn cho nhà trường mà cần có sự hợp sức từ gia đình và các tổ chức đoàn thể. Có một bà mẹ mỗi lần đi làm từ thiện luôn dắt con theo để con cùng tham gia các hoạt động này, để trước hết, trong mắt em có cái nhìn thương yêu con người. Có người cha, mỗi lúc hè, thường dắt con lên chùa, cho con sống dưới cội bồ đề để nghe giáo lý về lòng nhân ái, lòng từ bi, sự hỉ xả…

Sống là yêu thương và chân thành. Tình yêu thương con người chính là động lực giúp con người làm những việc lớn lao. Bác Hồ đã xác định: Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Vì thế, việc giáo dục lòng yêu thương, quý trọng con người đang trở nên cấp bách hiện nay. Mà trách nhiệm đó không chỉ dành cho ngành giáo dục.

 

 DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=277
Quay lên trên