Nỗ lực vượt bẫy thu nhập trung bình

Cập nhật: 26-09-2022 | 08:28:33

Hiện nay, một vấn đề toàn cầu đang được các quốc gia quan tâm là tạo lập môi trường không những bảo đảm cho phát triển mà còn là phát triển bền vững. Trong hành trình ấy có cả Ấn Độ và Việt Nam khi hai quốc gia đều có điểm tương đồng lớn là nỗ lực vượt bẫy thu nhập trung bình, hướng đến phát triển bền vững. Nguyên nhân được xác định đều do các yếu tố, như: Không còn lợi thế về giá nhân công rẻ như những nước có thu nhập thấp, phát triển không đồng đều giữa các khu vực trong quốc gia về ưu thế cơ sở hạ tầng, thiếu hụt về nguồn nhân lực trình độ cao và công nghệ sản xuất hiện đại...

Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ Horasis 2022, các chuyên gia đều cho rằng việc thoát bẫy thu nhập trung bình, về cơ bản là thúc đẩy tăng trưởng theo ba nhân tố cơ bản, đó là vốn, lao động và công nghệ dựa trên mô hình tăng trưởng hiện đại. Đi sâu hơn vào vấn đề của Ấn Độ và Việt Nam, nguyên nhân sâu xa có thể đến từ sự tiến bộ trong các lĩnh vực như giáo dục, tài chính, thương mại và sự can thiệp hiệu quả của Chính phủ.

Tín hiệu đáng mừng khi trong giai đoạn mới, cả hai Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ đều đánh giá cao vai trò của khoa học và công nghệ rất quan trọng trong việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Cả hai quốc gia đều nỗ lực phát triển giáo dục - đào tạo nghề cho người lao động; phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao vai trò của khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh hạ tầng logistics, hạ tầng, năng lực số… góp phần vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Bình Dương là một ví dụ rất sinh động về những nỗ lực nhằm vượt bẫy thu nhập trung bình sau hành trình phát triển “nóng”. Bình Dương hiện có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất tại Việt Nam và vì thế bẫy thu nhập trung bình đã và đang đến gần. Từ khóa của tỉnh là “đổi mới sáng tạo”, tránh bẫy thu nhập trung bình một cách toàn diện, tổng thể không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong văn hóa, xã hội, con người và môi trường.

Tính nhất quán trong việc hoạch định chính sách của Bình Dương còn được thể hiện ở mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Bình Dương xác định việc nâng cao giá trị hàng hóa tạo sự cạnh tranh với các quốc gia khác trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu không phải là sự chọn lựa mà là bắt buộc. Và để làm được điều đó, Bình Dương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển và nâng tầm.

Dù rằng nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu kinh tế song tỉnh vẫn nỗ lực lớn trong việc hỗ trợ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào nhu cầu của thị trường, cải thiện đáng kể mức sống của người dân nông thôn, để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển. 

KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=287
Quay lên trên