Trong hành trình đi về phương Nam, từ những ngày đầu khai hoang lập ấp, người Việt xưa thường lập những ngôi đình trên vùng đất mới để thờ thần Thành hoàng bổn cảnh - vị thần bảo hộ chở che cho dân làng, bảo vệ xóm thôn. Đình Dĩ An (còn gọi là đình thần Dĩ An) ở khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, TP.Dĩ An là một trong những ngôi đình làng Việt như thế.
Trao đổi với P.V, ông Trịnh Văn Xuân, Trưởng ban Quản lý đình Dĩ An, cho biết theo các tài liệu hiện nay thì đình Dĩ An được xây dựng vào năm 1837, còn theo lời kể của các vị tiền nhân đi trước, đình Dĩ An được lập nên từ rất sớm nhưng không biết chính xác là năm nào. Ban đầu, đình được dựng nên từ các vật liệu khá đơn sơ. Về sau, khi người dân trong làng có điều kiện hơn, họ đã cùng nhau đóng góp, chung sức để xây dựng, tu sửa lại đình ngày càng khang trang. Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa chung của làng, trong các thời kỳ kháng chiến, đình Dĩ An còn là nơi chở che cho lực lượng cách mạng hoạt động bí mật. Đặc biệt là dù trải qua các cuộc chiến tranh, nhưng đình Dĩ An ngày nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn.
Nghinh sắc, một nghi lễ quan trọng trong “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An”
Cũng như bao ngôi đình làng Việt khác, mỗi năm tại đình Dĩ An diễn ra nhiều nghi lễ, lễ cúng truyền thống. Trong đó, Lễ hội Kỳ yên diễn ra vào ngày 15 và 16-11 âm lịch là lễ cúng lớn và quan trọng nhất. 3 năm đáo lệ một lần, đình sẽ tổ chức Lễ Kỳ yên lớn hơn (tổ chức đại lễ), kéo dài đến ngày 18-11 âm lịch, có mời các đoàn hát bội về biểu biễn phục vụ bà con địa phương và khách thập phương về dự lễ. Đại lễ Kỳ yên của đình là một sự kiện rất quan trọng, thể hiện tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng bổn cảnh và tri ân các bậc tiền nhân có công trong việc khai hoang, lập làng.
Đại lễ Kỳ yên còn là dịp sinh hoạt văn hóa sôi nổi của người dân địa phương, thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cộng đồng và sự trao truyền các giá trị truyền thống. Do đó, lễ Kỳ yên được Ban Quý tế đình chuẩn bị rất kỳ công, chu đáo nhằm tỏ rõ thành ý với vị thần bảo trợ dân làng và tạo dịp cho các thành viên trong cộng đồng giao lưu, gặp gỡ. Nếu có dịp tham dự những nghi lễ trong “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An”, chúng ta sẽ cảm nhận được giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa được giữ gìn, lưu truyền qua bao thế hệ có một sức mạnh tinh thần hết sức lớn lao.
Các đình làng, lễ hội đình làng ở Bình Dương luôn chứa đựng những giá trị tư liệu quý giá, là nguồn vốn văn hóa dân gian của chính mảnh đất này, được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Vì vậy, đình và lễ hội đình làng luôn chứa đựng trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội sâu sắc. “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” là một trường hợp như thế. Trải qua bao thăng trầm lịch sử và sự đổi thay của thời gian, “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” vẫn còn giữ được nguyên vẹn các nghi lễ truyền thống. Với những giá trị còn lưu giữ, đầu năm 2023, “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình hình thành, phát triển của di tích quốc gia đình Dĩ An cũng như lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có những nghi lễ truyền thống như thế nào, mời quý độc giả đón xem tập tiếp theo của chương trình “Tôi yêu Bình Dương”. Chương trình do Báo Bình Dương thực hiện, phát vào lúc 6 giờ sáng chủ nhật ngày 6-8-2023 tại địa chỉ www. baobinhduong.vn.
CẨM LÝ