Ngày 2-8, đoàn khảo sát Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội có buổi làm việc với Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza). Vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong buổi làm việc vẫn là tiền lương, nhà ở cho NLĐ.
Nhiều CN phải sống trong điều kiện nhà ở rất tồi tàn.Công nhân về hưu sẽ được gì?
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Định - Phó BQL các khu chế xuất và công nghiệp (KCX - CN) TP có ý kiến: “Nhiều CN gắn bó với các KCN-KCX của TP đã 20 năm, nhưng đổi lại họ sẽ được gì khi đến tuổi hưu? Phụ cấp không đáng kể, nhà cửa không có nên họ sẽ về địa phương và sẽ lại rơi vào diện xóa đói giảm nghèo vì mức hưởng BHXH sẽ thấp hơn mức lương tối thiểu mà NLĐ hiện tại nhận được. 20 năm làm việc ở TP, đến khi quay về trở thành gánh nặng cho địa phương là điều không chấp nhận được”.
Những năm gần đây, nguyên nhân chính liên quan trực tiếp đến các vụ tranh chấp LĐ là vấn đề tiền lương. Các chủ DN không có thang bảng lương, hoặc có nhưng lại không chịu thực hiện. CN đã làm việc hơn 10 năm nhưng DN vẫn không tăng lương cơ bản. Cho nên thang bảng lương của CN nghỉ hưu rất thấp và mức trợ cấp họ được hưởng khi nghỉ hưu sẽ rất ít ỏi. NLĐ không hiểu hoặc hiểu sai về luật, đặc biệt là BHTN, liên tục nhảy việc không những gây biến động LĐ cho DN, mà gây ra nhiều thiệt hại cho chính NLĐ về lâu dài.
Ông Định cho rằng, bên cạnh lương, vấn đề bức xúc và cấp thiết hiện nay chính là vấn đề nhà ở cho CN. Số CN có được nhà ở TP để có thể yên tâm khi về hưu là rất hiếm hoi. KCN-KCX có trên 270.000 LĐ với 67% số LĐ đến từ các tỉnh, đây là vấn đề mà khi thành lập các KCN-KCX TP đã không nghĩ tới cho nên việc xây dựng nhà lưu trú, nhà ở cho CN gặp nhiều lúng túng. Nhà ở dành cho người có thu nhập thấp thì chưa đến được với NLĐ.
Phải nâng cao vị thế công đoàn
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng: “Cần nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của CĐ, bởi CĐ chính là tổ chức đại diện hợp pháp bảo vệ lợi ích cho NLĐ”.
Ông Lợi cho rằng, hướng sắp tới ngoài việc các DN có tổ chức CĐ đóng phí 2% trên tổng số lương đóng BHXH thì DN không có tổ chức CĐ cũng phải đóng khoản phí đó. Việc đó giúp vừa có kinh phí chăm sóc cho NLĐ, vừa là lý do để DN phải thành lập CĐ. Sắp tới, Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ đề nghị với Tổng LĐLĐVN thí điểm thành lập CĐ KCN-KCX để trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Về vấn đề tiền lương, ông Lợi nhấn mạnh, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của gia đình NLĐ hoặc ít nhất bản thân họ. Tiền lương tối thiểu phải được điều chỉnh theo thị trường. Tiền lương DN trả cho NLĐ phải bằng hoặc lớn hơn mức lương tối thiểu. Về vấn đề nhà ở, nếu không thực hiện sớm vấn đề nhà ở xã hội cho CN thì tình trạng di dân tự do sẽ gây ra những hệ quả khôn lường.
Khi phát triển một KCN-KCX mới nên dành một quỹ đất để phát triển nhà ở cho CN, gắn liền với các công trình hạ tầng xã hội và các dịch vụ như trung tâm văn hóa, trung tâm TDTT, siêu thị, trường học... Việc xã hội hóa vấn đề nhà ở cho CN, NLĐ hiện nay là rất cần thiết.
Theo Lao Động