Thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng cho biết, tuyến đường huyết mạch Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ thông xe toàn tuyến vào tháng 4 tới. Đây là điều mà người dân, doanh nghiệp đang rất trông đợi. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn là dự án được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông liên kết vùng và quy hoạch xây dựng thành phố thông minh trong tương lai cũng như quy hoạch giao thông đô thị hiện đại.
Chủ trương đầu tư tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tải, hạn chế ùn tắc cho tuyến Quốc lộ 13, góp phần phát triển mạng lưới giao thông, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương phía bắc của tỉnh. Và, không chỉ riêng tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, thời gian qua, Bình Dương đã kêu gọi nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trở thành địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện mô hình xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) đã thành công ngoài mong đợi. Tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn về nguồn vốn, tích cực tìm nguồn đầu tư nên những năm gần đây, bức tranh giao thông đường bộ của Bình Dương có nhiều khởi sắc, ấn tượng. Đã có những công trình giao thông tạo sự liên kết phát triển, phát huy hiệu quả tiềm năng của tỉnh và trong vùng. Các trục giao thông dọc theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây trên địa bàn tỉnh, bên cạnh các tuyến đường huyết mạch đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng.
Thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm kết nối thông suốt toàn bộ nền kinh tế quốc gia cũng như vùng và địa phương. Bên cạnh các yếu tố về quy hoạch, hạ tầng giao thông liên kết vùng đóng vai trò quyết định sự phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những hạn chế trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hỗ trợ phát triển liên kết vùng, như hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa có tính kết nối và liên thông thuận lợi giữa các địa phương trong nội vùng và liên vùng. Ngoài thể chế và quy hoạch, không thể có liên kết hoặc liên kết sẽ trở nên khó khăn nếu không có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Nói cách khác, bên cạnh các yếu tố về quy hoạch, thì hạ tầng giao thông liên kết vùng đóng vai trò rất quan trọng, quyết định sự hình thành, phát triển và nâng cao hiệu quả các liên kết vùng. Đây là vấn đề mà thời gian qua Bình Dương đã quan tâm, chú trọng thực hiện và sẽ thực hiện tốt hơn trong thời gian tới với phương châm “Giao thông đi trước”, để tạo động lực, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
NHẬT HUY