Phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động: Cần lắm những giải pháp căn cơ

Cập nhật: 09-07-2022 | 07:51:45

 “Trong những năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang có xu hướng tăng mạnh, tập trung cao trong công nhân lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề”. Đó là nhận định được nêu ra tại buổi hội thảo tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc, do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp cùng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế và LĐLĐ tỉnh Bình Dương vừa tổ chức.

 Công đoàn cơ s Công ty TNHH Giày Thông Dng (TP.Thun An) phi hp cùng Ban Giám đốc công ty t chc truyn thông phòng, chng dch bnh lây lan qua đường tình dc và khám ph khoa cho n công nhân

 Tỷ lệ công nhân nhiễm HIV gia tăng

Bình Dương là tỉnh công nghiệp, có trên 1,2 triệu CNLĐ đang làm việc ở các công ty, chiếm 50% dân số của tỉnh. Đa số là lao động trẻ dưới 40 tuổi chiếm khoảng 70%, lao động ngoài tỉnh 85%, lao động nữ 56%. Theo bác sĩ Vương Thế Linh, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, cho biết số ca nhiễm HIV mới phát hiện hàng năm tính từ năm 2011-2021 luôn theo chiều hướng tăng, trong đó số người nhiễm có hộ khẩu ngoại tỉnh luôn chiếm tỷ lệ cao.

Vấn đề mất cân đối về giới tính trong một DN, một khu nhà trọ, một địa bàn dân cư, một ngành nghề là một trong những yếu tố nan giải phát sinh liên quan đến vấn đề đồng tính. Trong khi đó, người sử dụng lao động ở nhiều DN chưa thực hiện nghiêm việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, chưa tạo điều kiện thời gian để tổ chức công đoàn, các ngành, đoàn thể tuyên truyền cho NLĐ. Việc tiếp cận NLĐ của tổ chức công đoàn tại các khu nhà trọ rất khó khăn trong khi công tác phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự hiệu quả”.

(Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công, LĐLĐ tỉnh)

Cụ thể, năm 2019 có gần 800 ca nhiễm HIV, người có hộ khẩu ngoại tỉnh chiếm hơn 550 ca; năm 2020 trên 900 người, có hơn 800 người có hộ khẩu ngoại tỉnh; năm 2021 gần 700 người nhiễm, có trên 600 người có hộ khẩu ngoại tỉnh. Trong đó, chủ yếu tỷ lệ nhiễm qua đường quan hệ tình dục cao, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm trên 85%... Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết hiện nay cả nước ước tính có khoảng 250.000 người nhiễm HIV. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (46%) và 30 - 39 (75%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và mại dâm giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt có sự tập trung cao người lao động (NLĐ) tại các khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, năm 2014 tỷ lệ nhiễm HIV trung bình ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 6,7%, năm 2017 tỷ lệ này là 12,2% và năm 2020 là 13,3%. Đặc biệt, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Theo ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công, LĐLĐ tỉnh, thực trạng số ca nhiễm HIV ở người có hộ khẩu ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ cao có nhiều nguyên nhân. Trong đó đời sống của NLĐ đã được cải thiện nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vấn đề thu nhập, việc làm luôn được đặt lên hàng đầu. Do vậy, phần lớn công nhân làm việc tăng ca, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, giải trí, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe cá nhân. Mặt khác, thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích, trong khi các dịch vụ trá hình còn tồn tại khá nhiều tại các khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, karaoke, mát xa… nhất là ở các khu vực có đông NLĐ.

Những giải pháp căn cơ

Trước thực trạng này, hàng năm tổ chức Công đoàn Bình Dương từ tỉnh tới cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe và phòng, chống HIV/AIDS trong CNLĐ bằng nhiều hình thức.Tổ chức Công đoàn trong tỉnh phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chuyên môn tổ chức khoảng 150 cuộc tuyên truyền, tư vấn cho hơn 7.500 lượt CNLĐ. Nội dung tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/ AIDS thông qua nhiều hình thức như baner, infographic, tủ sách pháp luật, tờ rơi, chương trình đồng hành cùng công nhân trên sóng FM, bảng tin nội bộ, hệ thống loa phát thanh tại doanh nghiệp (DN), nhất là thông qua các trang mạng xã hội do tổ chức công đoàn lập ra. Trung tâm Văn hóa Lao động thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo sân chơi lành mạnh giúp CNLĐ tránh xa ma túy, phòng, chống hiệu quả HIV/AIDS.

Qua các hoạt động này cũng lồng ghép tuyên truyền giúp CNLĐ nâng cao nhận thức, tránh xa các tệ nạn xã hội. “Trong thời gian tới, chính quyền các cấp và ngành chức năng cần tập trung thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ, nhất là công nhân tại các khu nhà trọ… có thêm kỹ năng sống, kiến thức tự chăm sóc sức khỏe, phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội. Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề về an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe cho NLĐ theo quy định của pháp luật lao động ở các DN. Cụ thể, về môi trường làm việc, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, thời gian và định mức khám sức khỏe định kỳ, thời gian nghỉ khám thai…

Ngành y tế tiếp tục có những tham mưu, đề xuất giải pháp căn cơ về đầu tư cơ sở y tế, dịch vụ y tế, nhân lực của ngành… nhất là ở những khu vực, địa bàn tập trung đông CNLĐ, qua đó để giải quyết hiệu quả tính đồng bộ giữa phát triển kinh tế với chăm sóc sức khỏe cho NLĐ và nhân dân. Đặc biệt, để giải quyết được cái gốc của vấn đề, các ngành, các cấp cần tập trung chăm lo, tạo cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, có môi trường làm việc và môi trường sống an toàn, lành mạnh, giúp NLĐ dễ tiếp cận được với các dịch vụ y tế, qua đó tạo động lực nâng cao sức khỏe, an toàn trong phòng, chống các dịch bệnh, giảm thiểu các vấn nạn xã hội”, ông Lưu Thế Thuận chia sẻ.

 Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân, viên chức lao động (CNVC-LĐ). Cụ thể, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục bằng nhiều hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trong CNVC-LĐ kết hợp giữa tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS với thông tin kiến thức và các biện pháp dự phòng và điều trị, các biện pháp chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Thông qua các phương tiện truyền thông của tổ chức công đoàn, tại cơ sở, tại khu công nghiệp (panô, áp phích, tờ rơi, thẻ tiếp thị), mạng xã hội (Zalo, Facebook…) và lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, ngừa HIV/AIDS với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề... Đồng thời, tổ chức biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân CNVC-LĐ tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó, tạo sức lan tỏa trong cán bộ đoàn viên, CNVC-LĐ...

 ĐỖ TRỌNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên