Siết chặt hàng rong, được không?

Cập nhật: 19-01-2013 | 00:00:00

Vấn đề đặt ra đó là nhiều người đang tự hỏi, liệu thông tư mới này có đi vào thực tế một cách triệt để, liệu cái “xô nước đen ngòm” kia có được thay thế bằng những xô nước sạch hơn, vệ sinh hơn hay không? Những câu hỏi rất khó trả lời, kể cả những người ký ban hành thông tư này bởi có nhiều quy định rất khó để thực thi.

 Người bán hàng rong, thức ăn đường phố ra ngõ là gặp bởi số lượng nhiều vô kể, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các đô thị phát triển. Thống kê chưa đầy đủ tại Hà Nội có khoảng trên dưới 30.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố. Nếu xét trên bình diện cả nước, số lượng người kinh doanh thức ăn đường phố và tham gia làm việc trong lĩnh vực này là lớn tới mức nào. Vậy nên chỉ nội quy định người bán hàng rong, thức ăn đường phố phải khám sức khỏe định kỳ đã là vấn đề nan giải trong quản lý. Bên cạnh đó là hàng loạt quy định về việc chứng minh nguồn gốc thực phẩm bằng hóa đơn, chứng từ, người bán hàng phải có giấy chứng nhận tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, phải có đủ nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia, có đủ trang trang thiết bị, dụng cụ chế biến, bảo quản thức ăn… Hàng loạt các quy định đưa ra mà người bán hàng rong, kinh doanh thức ăn đường phố nào nghe qua chắc phải “choáng”!

Thực phẩm để chế biến thức ăn đường phố, nếu nói không ngoa thì đa phần là rất khó để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ! Người bán thậm chí chỉ biết mua về chế biến để bán chứ họ chẳng cần biết và cũng rất khó để biết xuất xứ từ đâu? Có thể tưởng tượng nổi việc cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương đòi hỏi một chị bán xôi vỉa hè, một bà bán thịt ở chợ cóc hay anh bán bánh mì, hủ tiếu ở một góc phố nào đó chứng minh nguồn gốc thực phẩm mà họ đang bán?

Không phủ nhận việc triển khai Thông tư 30/2012 của ngành y tế chính là để mang đến cho người tiêu dùng những bữa ăn sạch, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Nhưng để mục tiêu tốt đẹp đó đi vào thực tế đòi hỏi những đơn vị chức năng cũng như chính quyền các địa phương phải quyết tâm cao độ, triển khai quyết liệt và truyền thông sâu rộng. Một khi mà người tiêu dùng ủng hộ, người kinh doanh ý thức đầy đủ và cơ quan chức năng “ra tay” triệt để mới mong thông tư sẽ đi vào cuộc sống. “Cái xô nước đen ngòm” như bà bộ trưởng đề cập có “biến mất” hay không chắc lại phải… chờ xem! 

CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=268
Quay lên trên