Vậy là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, tên thường gọi là “anh Sáu”, “bác Sáu”, đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Sau 2 ngày tổ chức theo nghi thức Quốc tang tại Hội trường Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh), hôm nay (22-3), linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh. Trong 2 ngày qua, lãnh đạo cấp cao và các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương trong cả nước cùng hàng chục ngàn người dân đã đến viếng, thắp hương tiễn biệt “anh Sáu”, “bác Sáu” với tấm lòng tiếc thương vô hạn.
“Anh Sáu”, “bác Sáu” ra đi, để lại sự tiếc thương trong lòng những người mến mộ tài năng, đức độ của một con người suốt cuộc đời vì nước, vì dân. Cũng vì mến mộ đức độ, tài năng của “anh Sáu”, “bác Sáu” mà trong 2 ngày qua, cùng với các đoàn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan, bộ, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể của Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước; bạn bè, đồng chí đã từng gắn bó với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; các tầng lớp nhân dân cũng đến viếng “anh Sáu”, “bác Sáu”. Trong dòng người đến tiễn biệt “anh Sáu”, “bác Sáu” bên cạnh những doanh nhân từng được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải “cởi trói” bằng chính sách hay các cụ già đồng niên, còn có những cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên, sinh viên học sinh chỉ biết “bác Sáu” qua các kênh truyền thông đại chúng. Dẫu vậy, tất cả đều bày tỏ tấm lòng mến mộ, tiếc thương và cầu mong “anh Sáu”, “bác Sáu” ra đi thanh thản.
Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước, ở cương vị công tác nào, “anh Sáu”, “bác Sáu” cũng luôn lo nghĩ cho nước, cho dân. “Chỉ kể riêng thời kỳ giữ chức Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã để lại những dấu ấn khó quên. Đồng chí Phan Văn Khải là người tích cực và kiên quyết xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế”. Đó là một trong những nội dung trong bài viết về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải của đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Nói về tài năng, đức độ của “anh Sáu”, “bác Sáu”, các vị lãnh đạo cấp cao Trung ương cũng đã nêu đầy đủ trong sổ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và được báo chí trích đăng trong những ngày qua.
Đối với Bình Dương, “anh Sáu”, “bác Sáu” như người thân trong gia đình, luôn theo sát sự phát triển và dành những lời động viên kịp thời cho lãnh đạo tỉnh nhà. Nếu không có sự quan tâm, động viên kịp thời đó của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Bình Dương chưa chắc đã có những thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay. Nói về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh ngắn gọn: “Đồng chí Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo bình dị, dám nghĩ, dám làm…”. Không chỉ lo cho sự phát triển của tỉnh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn căn dặn lãnh đạo tỉnh “phải luôn nghĩ đến dân, chăm lo đời sống cho dân, thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, làm cho người dân hưởng lợi từ thành quả kinh tế - xã hội của tỉnh mang lại”, ông Phan Văn Đương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhớ lại.
Tiễn biệt “bác Sáu”, tiễn biệt một nhân cách cao cả suốt cuộc đời lo lắng cho dân. Xin đốt nén nhang lòng cầu mong “bác Sáu” ra đi thanh thản.
LÊ QUANG