Tình huống thực tế: Khoảng 6 giờ 10 phút ngày 5-5-2021, Danh B (có giấy phép lái xe theo quy định) điều khiển xe ô tô ngủ gật, không chú ý quan sát gây tai nạn với xe mô tô do Cao A điều khiển lưu thông phía trước cùng chiều. Hậu quả, làm Cao A chết tại hiện trường. Đối với hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của tài xế (Danh B) thì xử lý như sau:
Về trách nhiệm hình sự khi vi phạm quy định về an toàn giao thông (ATGT): Tại Điều 260 tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định:
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về ATGT đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm - 5 năm:
a) Làm chết người.
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% - 121%.
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
…..
Việc kết luận có phạm tội hay không phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra, kết luận giám định về nguyên nhân, mức độ lỗi gây ra tai nạn. Theo thông tin tình huống thực tế nêu trên thì tài xế điều khiển xe ô tô ngủ gật, không chú ý quan sát gây tai nạn. Theo quy định tại khoản 1 tại điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm - 5 năm: Làm chết người.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (dân sự), căn cứ theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Căn cứ quy định trên và căn cứ theo kết luận điều tra, nếu bên gây tai nạn có lỗi trong việc gây ra thiệt hại về tài sản và sức khỏe cho bên bị tai nạn thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo quy định sau: Tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của bộ luật này.
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng.
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
HỘI LUẬT GIA TỈNH