1. Đề xuất của Malaysia để SEA Games trở thành sân chơi cho các cầu thủ U.21 không phải là không có lý. Thậm chí, có thể nói nó mang tính khoa học rất cao.
Thứ nhất, nếu xem SEA Games như một đại hội thể thao thì đội bóng nam dự giải phải là đội Olympic. Khái niệm U.23 hiện không còn dùng trên thế giới bởi đơn giản đã 23 tuổi thì tính thành cầu thủ trưởng thành. Riêng với đội Olympic dự các đại hội thể thao, thường khống chế tuổi không quá 22 và bổ sung thêm 3 cầu thủ quá tuổi.
Với đề xuất của Malaysia thì lứa cầu thủ Công Phượng cũng sẽ chẳng còn để giúp Việt Nam chinh phục giấc mơ vàng khu vực. Ảnh: Đức Duy
Kế đến, hiện bóng đá châu Á đã có đến giải U.22 và vẫn được gọi là giải U.23 châu Á nhằm phục vụ cho việc tuyển chọn các đội dự Olympic. Giải châu Á mới khởi đi được 2 mùa nên thời gian chưa ổn định, tuy nhiên theo kế hoạch thì sẽ diễn ra 2 năm/1 lần vào các năm lẻ, tức là trùng với SEA Games. Như vậy, nếu lọt vào VCK thì đội U.23 Việt Nam cũng sẽ đá ít nhất 6 trận trong khuôn khổ giải này. Hiện nay, châu Á không có giải U.21 trong khi tại Việt Nam hiện nay, đã có giải U.21 suốt gần 20 năm qua và là cơ hội để tuyển chọn đội tuyển đá SEA Games nếu như đề xuất của Malaysia được chấp thuận lâu dài.
2. Tất nhiên, nếu đề xuất của Malaysia được thông qua thì coi như “giấc mơ SEA Games” của Việt Nam cũng không còn. Nhưng có lẽ, cũng nên dẹp bỏ “giấc mơ” ấy là vừa. Chẳng ở đâu trên thế giới mà người ta lại đặt quá nhiều kỳ vọng ở một chiếc HCV tại đại hội thể thao như Việt Nam. Lứa tuổi U.23 đã tiệm cận trình độ của bóng đá trưởng thành, tại sao lại “mơ HCV” trong khi không lo chuyện vô địch AFF Cup. Bản chất của việc thắng một giải trẻ là tạo nền tảng để thắng giải trưởng thành, nhưng tại Việt Nam, đôi khi chúng ta đặt chiếc HCV SEA Games ngang với thành công ở AFF Cup, điều này không hợp lý và tạo rất nhiều áp lực cho các cầu thủ. Hình ảnh những cầu thủ khóc nức nở tại SEA Games 28 vừa qua nói lên rất nhiều điều.
Thế nên, nếu thật sự muốn cải tổ nền bóng đá nước nhà thì VFF nên ủng hộ đề xuất của Malaysia. Đằng nào thì chúng ta cũng chưa từng thắng SEA Games, đá nữa cũng chưa chắc đã đoạt HCV, chẳng có lý do gì để tiếp tục theo đuổi việc tập trung thường xuyên một đội U.23 trong khi hiện nay, mỗi năm đều có giải U.21 nội địa nhưng những cầu thủ tốt nhất của giải này lại chỉ tập hợp 1 lần đá giải U.21 quốc tế, làm lãng phí công sức của các nhà tổ chức.
Nói cách khác, đã đến lúc chúng ta đặt ra giới hạn giữa bóng đá trẻ và bóng đá trưởng thành. Chủ yếu tập trung đầu tư cho lứa cầu thủ từ 21 tuổi trở xuống làm nhiệm vụ tại SEA Games, giải U.22 châu Á và Olympic. Quá tuổi đó, cứ khuyến khích đưa lên đá V-League để tạo hạt giống cho đội tuyển quốc gia. Suốt 2 năm qua, nhiều CLB đã làm điều đó rồi.
Theo SGGP