Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% và một loạt hàng hóa từ không chịu thuế phải chịu thuế, những nhóm hàng đang áp mức thuế suất 5% hiện tại lên 10% từ ngày 1-1-2019 của Bộ Tài chính đang gặp nhiều luồng phản ứng của dư luận.
Trước đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính, lập luận của các chuyên gia kinh tế cho rằng việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến người nghèo, khó khăn.
Thế nhưng, mấy ngày gần đây, dư luận đã lên tiếng phản đối gay gắt khi một vị Thứ trưởng Bộ Tài chính giải thích việc đề xuất tăng mức thuế suất VAT sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo (?). Thực tế, có đúng là thuế VAT không tác động đến người nghèo? Có thể chỉ rau, gạo, thịt do người dân trực tiếp trồng trọt, chăn nuôi bán ra mới không chịu thuế. Nhưng giới công chức, viên chức ăn lương, công nhân, người dân thành thị, không thể mỗi ngày lại chạy đến chợ quê mua rau, gạo thịt, để không phải chịu thuế. Hàng hóa mà họ cần mua lại chủ yếu là hàng công nghiệp, đây lại là các mặt hàng bị đánh thuế vào người tiêu dùng. Vì vậy, khi tăng thuế VAT, toàn bộ người tiêu dùng bị ảnh hưởng, tất nhiên trong đó có người nghèo, khó khăn.
Thuế VAT đang được áp dụng lên rất nhiều hàng hóa, dịch vụ mà hàng ngày mọi người dân sử dụng, từ ăn uống, học hành, chữa bệnh, du lịch, giải trí, đi lại... Do đó, tăng thuế sẽ tác động tăng giá hàng hóa, dịch vụ, điều này sẽ tác động tới đời sống của người dân và nền kinh tế.
Tăng thuế VAT sẽ dẫn tới hai vấn đề. Một là việc tăng thuế có thể khiến chi tiêu sụt giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng thuế GTGT có thể khiến tổng cầu giảm, đi ngược với chủ trương kích thích tiêu dùng? Về nguyên tắc, thuế sẽ được tính vào chi phí đầu vào của doanh nghiệp, thuế tăng thì đương nhiên giá cả hàng hóa sẽ tăng. Thứ hai, nếu hiệu quả sử dụng ngân sách không bù đắp được sự suy giảm từ việc cắt giảm chi tiêu, nâng cao hiệu quả đầu tư công thì có thể khiến chính sách tăng thuế không mang lại hiệu quả. Vì vậy, không nên tăng thuế đồng loạt cùng một mức cho tất cả các mặt hàng, mà nên xem xét để có mức tăng, lộ trình và thời điểm tăng thích hợp, tránh “gây sốc” cho nền kinh tế và không ảnh hưởng tới nhiều mục tiêu khác như ổn định sản xuất, an sinh và quyền lợi của người tiêu dùng.
Việc tăng thuế VAT xét về trực tiếp hay gián tiếp thì cũng tác động lên đời sống người dân. Bởi, thuế VAT là thuế gián thu, người tiêu dùng là người phải chịu thuế, nên hàng hóa sản xuất ra được cấu thành bởi nguyên liệu có thuế thì giá bán ra phải bao gồm thuế và người tiêu dùng phải “gánh”, không loại trừ ai. Và đương nhiên, trong đó người dân nghèo vốn đã khó khăn sẽ thêm phần khó khăn.
NHẬT HUY