Cùng với cả nước, hôm qua (5-9), tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2017-2018. Để thổi bùng ngọn lửa đam mê học tập của học sinh, lãnh đạo tỉnh và các ban ngành, đoàn thể đã chia làm nhiều đoàn đến dự lễ khai giảng, động viên thầy và trò các trường trong năm học mới. Có được ngày khai giảng năm học mới vui tươi và ý nghĩa này, thời gian qua lãnh đạo tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng kiến tạo cơ sở vật chất, sắp xếp trường lớp nhằm ổn định tình hình học sinh (HS) trước năm học mới.
Căn cứ trên tỷ lệ dân số thì Bình Dương là một trong những địa phương có số HS tăng thêm hàng năm đứng vào tốp đầu của cả nước và số lượng HS tăng thêm năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm học vừa qua, số lượng HS tăng thêm ở các cấp học chỉ dừng lại ở con số 28.000 HS, thì năm nay con số đó là gần 30.000 HS. Với số lượng gần 30.000 HS tăng thêm ở các cấp học, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chắc chắn Bình Dương sẽ rơi vào thế bị động và khó có thể tổ chức được ngày khai giảng năm học mới vui tươi và ý nghĩa. Lường trước được những khó khăn phát sinh này, năm nay ngành GD-ĐT và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt khâu chuẩn bị, giải quyết tốt nhu cầu chỗ học cho số lượng HS tăng thêm.
Đối với công tác chuẩn bị, cùng với việc xây dựng trường lớp, Bình Dương còn làm tốt công tác dự báo để khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Năm nay, các địa phương trong tỉnh và ngành GD-ĐT đã làm tốt công tác dự báo, nên so với năm học trước mặc dù số lượng HS tăng thêm ở các cấp học tăng cao hơn, nhưng số lượng trường lớp được xây dựng thêm lại ít hơn. Dự báo đúng thực trạng tình hình từng khu vực, huyện thị, thành phố có số lượng HS tăng thêm để xây dựng trường lớp vừa đủ là bài học kinh nghiệm được tích lũy từ lâu của Bình Dương. Nhờ làm tốt công tác dự báo, Bình Dương có thể tiết kiệm ngân sách để đầu tư trang thiết bị, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh xây dựng trường lớp và đầu tư trang thiết bị cho các trường từ ngân sách địa phương, Bình Dương còn kêu gọi xã hội hóa giáo dục. Thực hiện chủ trương này của tỉnh, nhiều ngôi trường do tư nhân đầu tư đã mọc lên, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hàng chục ngôi trường do tư nhân đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của HS các cấp, trong đó có nhiều trường tên tuổi đến từ Singapore và TP.HCM. Cùng với việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục các cấp học phổ thông, lãnh đạo tỉnh còn chú trọng các cấp học sau phổ thông nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ như trường nghề và cao đẳng, đại học. Nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh mà đến thời điểm hiện tại Bình Dương đã có 7 trường đại học và nhiều trường cao đẳng, dạy nghề chất lượng cao. Hàng năm, các trường này đào tạo cho Bình Dương hàng ngàn lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Hệ thống trường lớp hoàn chỉnh, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với công tác giáo dục đã góp phần thổi bùng ngọn lửa đam mê học tập của học sinh. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Bình Dương vững vàng tiến bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
LÊ QUANG