Thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia

Cập nhật: 07-09-2017 | 09:03:15
Nói đến Toyota, Honda… là nói về Nhật Bản với một nền công nghiệp ô tô tân tiến bậc nhất thế giới. Tương tự, khi nhắc đến Samsung, Hyundai lại là nhắc đến xứ Hàn với kỹ thuật công nghệ hiện đại của các dòng sản phẩm tivi, điện thoại, ô tô, tàu thủy… lừng danh toàn cầu. Và, rất nhiều các thương hiệu tiêu biểu khác của các tập đoàn kinh tế mạnh trên thế giới trở thành niềm tự hào của các quốc gia.

Việt Nam, bởi nhiều lý do trên tiến trình phát triển, nền kinh tế đất nước vẫn chưa có được những thương hiệu thực sự mạnh, uy tín cao trên thương trường quốc tế, đặc biệt là những sản phẩm công nghiệp đòi hỏi công nghệ kỹ thuật hiện đại, hàm lượng chất xám cao. 

Hơn 30 năm mở cửa hội nhập, Việt Nam đang dần xây dựng được một số thương hiệu có sức lan tỏa trên bình diện quốc tế, bước đầu đứng chân được trên thị trường các nước. Nhưng để có được những thương hiệu mang tính toàn cầu như những cái tên vừa kể ra của Hàn Quốc, Nhật Bản thì có lẽ chưa đủ tầm để so sánh.

Từ thực tế đó, người viết tin rằng đa phần người Việt Nam, bất luận trong hay ngoài nước đều mong muốn nền kinh tế nước nhà xuất hiện ngày càng nhiều những cái tên như Viettel, Vinamilk, FPT… Bởi vậy, đầu tuần này, khi Vingroup khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VinFast ở Hải Phòng với quy mô 335 ha, sản xuất ô tô động cơ đốt trong, ô tô điện và xe máy điện là tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp ô tô non trẻ của nước nhà. Được biết, tổ hợp có năm phân xưởng cần thiết của chuỗi sản xuất ô tô hoàn chỉnh gồm xưởng ép, hàn thân xe, sơn, động cơ và lắp ráp. Theo kế hoạch, ô tô của hãng sẽ có tỷ lệ nội địa hóa 60%, đủ tiêu chuẩn hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Tiêu chuẩn khí thải 5.0 và 6.0. Đến năm 2025, mục tiêu nhà máy chạm mốc công suất thiết kế 500.000 xe mỗi năm và trở thành hãng ô tô hàng đầu Đông Nam Á.

Với những mục tiêu, kế hoạch đặt ra và thành công của Vingroup trên các lĩnh vực kinh doanh hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam đang kỳ vọng tập đoàn này hiện thực hóa tham vọng của mình để cho ra đời những chiếc ô tô mang thương hiệu Việt đúng nghĩa, cạnh tranh sòng phẳng với các dòng ô tô tên tuổi khác, trước mắt là ngay thị trường nội địa và các nước trong khu vực.

Kỳ vọng là một việc, thước đo thành công lại là một việc khác và phải chờ thời gian để kiểm chứng. Hai mươi năm đã qua, theo các chuyên gia, kể từ khi công nghiệp ô tô trong nước bắt đầu chiến lược phát triển, đến bây giờ vẫn là những tổ hợp lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Vinaxuki - một cái tên mà ngày xuất xưởng những chiếc xe đầu tiên trên thị trường Việt cũng lắm kỳ vọng. Nhưng rồi bởi nhiều lý do, từ chuyện thiếu tiềm lực tài chính, thiếu nhân lực đủ tầm, thị trường không đón nhận… để rồi buộc phải rao bán nhà máy!

Chắc chắn rằng những khó khăn, rào cản hay vết xe đổ của những doanh nghiệp đi trước trong lĩnh vực công nghiệp ô tô đã được Vingroup điều nghiên kỹ càng trước khi quyết định đầu tư hàng tỷ USD vào dự án đầy tham vọng này. Ô tô thương hiệu Việt, kỳ vọng nhiều nhưng đành phải chờ đợi vậy!

TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=980
Quay lên trên