Tạo bước đột phá, giảm khiếu kiện về đất đai

Cập nhật: 08-11-2012 | 00:00:00

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo chí đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu Quốc hội (QH) với mong muốn xây dựng một bộ luật mang tính thực tiễn cao, bởi lâu nay đất đai đang là vấn đề “nhạy cảm” và không kém phần phức tạp. Thực tế cho thấy, việc khiếu kiện có nội dung liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ khá cao. Chẳng hạn vụ việc nổi cộm gần đây liên quan đến đất đai ở Tiên Lãng (Hải Phòng) khó làm chúng ta quên.

  Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH cho biết, kết quả thanh tra trong 9 năm từ 2003 đến 2011 đã phát hiện, xử lý và trả lại cho công dân 1.850 tỷ đồng, 4.817 ha đất, khôi phục quyền lợi cho 6.921 công dân, kiến nghị xử lý hành chính 6.650 người, chuyển cơ quan điều tra 380 vụ với 665 đối tượng. Điều đó cho thấy lĩnh vực đất đai đang là vấn đề thời sự được dư luận quan tâm, đặc biệt trong lúc QH đang bàn thảo một bộ luật quan trọng. Ý kiến thảo luận của các đại biểu QH diễn ra hết sức sôi nổi. Đến mức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường hứa sẽ tiếp tục có một cuộc thảo luận riêng với một đoàn đại biểu QH thành phố nọ. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao của các đại biểu.

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với một người dân. Người ấy nói, tôi đang có hơn 1 ha đất trồng cao su đang cho thu hoạch, thời điểm cách đây mấy năm, mủ cao su có giá, ngày cạo ngày nghỉ nhưng cho thu nhập đều đặn, cuộc sống coi như tạm ổn. Đùng một cái, đất nằm trong quy hoạch phải giải tỏa. Chấp hành chủ trương, nhận tiền đền bù mấy trăm triệu đồng gửi vô ngân hàng, rút lãi để ăn. Ăn dần rồi có nguy cơ cụt vốn! Lâu lâu ra đứng nhìn mảnh đất của mình, cây cao su đã đốn hết, giờ cỏ mọc um tùm, thấy mà đứt ruột.

Trở lại vấn đề QH thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch ở đoàn đại biểu QH TP.Hồ Chí Minh đã có ý kiến làm nhiều người tâm đắc và suy nghĩ. Ông Lịch cho biết, vào năm 1992 đến 1997, TP.Hồ Chí Minh có chủ trương thu hồi đất để làm khu chế xuất. Hàng trăm hộ được chuyển ra ở tại khu chung cư Phú Mỹ nhưng 2 năm sau họ bán sạch nhà và đi đâu không ai biết. Ông Lịch bức xúc nói: Những người đang sống trong những căn biệt thự sang trọng ở Phú Mỹ Hưng có biết những người đã từng sống bao đời nay trên đất này nhưng bị giải tỏa nay họ đi đâu, sống ra sao, số phận họ thế nào? Câu chuyện của đại biểu Trần Du Lịch chắc chắn làm nhiều người suy nghĩ.

Luật Đất đai đề cập nhiều vấn đề trong lĩnh vực đất đai. Nhưng thiết nghĩ, quyền và lợi ích của người có đất phải được pháp luật tôn trọng. Nhiều người rất đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang: Trước khi thu hồi đất phải khảo sát ý kiến người dân, điều tra hiện trạng đất đai và dân cư. Tóm lại phải tôn trọng lợi ích của người dân, người có đất. Cũng vì thế mà một số đại biểu đã đề nghị dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nên đưa ra lấy ý kiến của toàn dân.

  NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên