tương tự vừa mới diễn ra hôm 2-11. Khi đang lưu thông trên đường nghe tiếng dân kêu cứu, thượng tá Lê Đức Đoàn thuộc Đội CSGT số 1 (Hà Nội) dù là một thương binh nhưng vẫn lập tức tăng tốc truy đuổi và bắt gọn tên cướp tài sản của một phụ nữ đi đường. Trước đó, trong quá trình trực chốt, cũng chính thượng tá Đoàn đã trực tiếp cứu sống 3 trường hợp định nhảy cầu quyên sinh... Ấy vậy mà khi được tuyên dương là “Công dân thủ đô ưu tú 2012”, ông lại nói rất ít về mình và trả lời ngắn gọn với các phóng viên rằng: “Đó chỉ đơn giản là trách nhiệm với đồng loại, tình nghĩa với con người”. Cụm từ “trách nhiệm với đồng loại” chưa dừng lại ở đó bởi cũng mới giữa tháng 10 vừa qua, 2 nữ sinh viên trường Cao đẳng Truyền hình và Đại học Công nghiệp trên đường đến trường khi thấy cảnh cướp giật đã dũng cảm truy đuổi và cùng người dân bắt gọn 2 tên cướp cạn. Việc làm này của 2 em đã được Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) làm thủ tục đề xuất khen thưởng đột xuất.
Nói dông dài như trên để thấy rằng, nếu như những mặt trái của xã hội đang hiện diện không ít đối tượng xấu, những hành vi bất lương dễ thấy như trộm, cướp, giật dọc... thì trong cuộc sống hàng ngày cũng có rất nhiều những con người trượng nghĩa và hành động dũng cảm, sẵn sàng quên thân vì đồng loại, vì sự bình an của xã hội. Biết bao chiến sĩ công an khi gặp kẻ cướp táo tợn không sờn chí; “hiệp sĩ đường phố” gặp đối tượng bất lương không ngại hiểm nguy, không thỏa hiệp nhận tiền đút lót; hay thậm chí là những phụ nữ, nữ sinh cũng dũng cảm truy đuổi cướp đến cùng trong tâm thế như chính mình là nạn nhân... Những điển hình này xuất hiện khắp nơi, được báo chí liên tục biểu dương đã góp phần “trấn an” người dân trước những nỗi ám ảnh do kẻ bất lương gây ra. Có người hành động vì đó là công việc, có người xả thân chỉ với trách nhiệm công dân nhưng có thể nói đó chính là “cái cốt” của hình tượng “Lục Vân Tiên thời nay” mà xã hội đang rất cần đến.
Không thể phủ nhận rằng cuộc sống hối hả của thời hiện đại đã tác động làm cho một bộ phận cư dân trở nên tất bật, thiếu sự quan tâm, gần gũi nhau như trước, tuy nhiên đó không thể là lý do để biện minh cho sự vô cảm đến khó chấp nhận. Vô cảm khi chứng kiến nạn nhân bị cướp giật ngay trước mặt mình; lạnh lùng khi bỏ mặc người bị tai nạn giao thông nằm trên đường... Thói vô cảm còn “sinh sôi” qua những hiện tượng khác như thấy sai không dám nói, không chịu phê bình, không đấu tranh, chỉ bởi “phần ai nấy hưởng”, “của ai nấy nhờ”... Đó thực sự là một “căn bệnh” đáng sợ!
Bởi thế, nhân rộng những “công dân ưu tú”, những “Lục Vân Tiên thời nay”, đồng thời tẩy chai, lên án những hành vi thờ ơ, lãnh cảm trước nỗi đau, mất mát của nhân loại là việc làm rất cần thiết nhằm góp phần đẩy lùi “căn bệnh” vô cảm đang len lỏi đâu đó trong cuộc sống của chúng ta.
Q.MINH