“Tủi hổ, đau lòng” là những lời được thốt ra từ các thầy, cô giáo tổ chức dạy thêm bị lập biên bản trước mắt học trò, họ cảm thấy như bị bắt tội. Dù không làm nghề giáo, nhưng hẳn nhiều người có lẽ cũng đồng cảm với cảnh ngộ “trớ trêu” mà nhiều thầy, cô đang gặp phải.
Vẫn biết chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan là nỗ lực của ngành giáo dục sau bao lời ta thán của các bậc phụ huynh khi vấn đề dạy và học thêm bị biến tướng, một số không ít các nhà giáo chọn việc dạy thêm để kiếm tiền chứ không vì chất lượng giáo dục, nhưng quan trọng hơn là cách thức quản lý, kiểm tra. Quản lý bằng hình thức nào, đưa vào khuôn khổ bằng biện pháp nào đó là trách nhiệm của ngành giáo dục, miễn là hiệu quả vẫn có mà quan trọng là đừng làm “xấu” đi hình ảnh của người thầy.
Trong số đông những người đứng lớp dạy thêm, tôi tin vẫn còn đó rất nhiều những người tâm huyết để truyền đạt kiến thức cho học trò thân yêu. Họ đứng lớp vì con chữ thực sự, xem tiền bạc là thứ yếu. Thử hỏi, với những người thầy tâm huyết đó, có đáng để “bắt tội” như hình thức kiểm tra, lập biên bản đã áp dụng hay không? Cấm tuyệt đối và kỷ luật, nếu cần với những nhà giáo dạy thêm thiếu trung thực là việc cần làm, nhưng lựa chọn một cách quản lý, chấn chỉnh hợp lý, hợp tình để dạy thêm, học thêm đi vào thực chất và nề nếp mới là quan trọng. Hình ảnh người thầy trong thời buổi kinh tế thị trường đã bao lần “chao đảo”, vậy nên xin đừng làm “xấu” thêm, đặc biệt là trong mắt các học trò!
CẢNH HƯỞNG