Nhưng hôm nay, mọi mơ ước đã là quá vãng, bởi hiện hữu đã rõ ràng. Không là mơ mà là thực, ai chưa tin cứ đến để ngắm nhìn! Gần 4 năm sau ngày khởi công xây dựng (4-2010), Thành phố mới Bình Dương đã hiện hữu diện mạo của một thành phố văn minh, hiện đại với hàng loạt các công trình trọng điểm đã hoàn thành. Thành phố mới bao gồm 7 phân khu chức năng gồm Khu trung tâm chính trị - hành chính; Khu trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán; Khu công viên công nghệ kỹ thuật cao; Khu trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học; Khu phục vụ cộng đồng (quảng trường, công viên, hồ sinh thái…): Khu văn phòng cho thuê, nhà hàng, khách sạn cao cấp và Khu các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Hiện hữu hôm nay ở thành phố mới đang có những gì? Chắc chắn đó là câu hỏi mà nhiều người muốn có câu trả lời chân thực nhất. Hãy cùng chúng tôi “dạo” một vòng ở thành phố mới để thấy tốc độ phát triển nhanh tới nhường nào. Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung gần như đã hoàn thành và nếu không có gì thay đổi, theo kế hoạch từ đầu năm 2014, toàn bộ các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh sẽ chính thức làm việc tại tòa nhà trung tâm này. Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung là biểu tượng cho sự phát triển của Bình Dương trong kỷ nguyên mới, tạo bước đột phá của chính quyền tỉnh với sự tập trung tất cả các loại hình dịch vụ và công nghệ cao, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với một nền quản lý chính trị và hành chính thân thiện, hiệu quả, tạo bước đột phá mạnh mẽ của chính quyền tỉnh trong công cuộc cải cách hành chính, tiến tới một nền hành chính minh bạch, nhanh, hiện đại, là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cho các hoạt động kinh tế, giao lưu quốc tế ở trình độ cao. Cùng với điểm nhấn vừa nêu của trung tâm thành phố là hàng loạt các công trình hiện hữu đã và đang đưa vào hoạt động. Từ trường đại học, bệnh viện, công viên, khu vui chơi, trung tâm hội nghị cho đến khu phố thương mại, khu biệt thự cao cấp, khu chung cư cao tầng, văn phòng cho thuê… tất cả đã mọc lên thành một quần thể phố thị khang trang, thỏa ước lòng người bao năm qua.
Nên biết rằng, song hành cùng với quá trình xây dựng thành phố mới là nhiều khu công nghiệp cũng ra đời trong tổng thể khu liên hợp. Những thương hiệu KCN như VSIP, Đồng An, Đại Đăng, Kim Huy… đã có mặt hoạt động, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dịch vụ - công nghiệp phát triển, điều tất yếu sẽ kéo theo hàng trăm ngàn công nhân, cán bộ kỹ thuật, chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc và định cư…
Thành phố mới ra đời, cùng với trung tâm này là hàng loạt đô thị hiện hữu của Bình Dương từ Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An đến Bến Cát, Tân Uyên cũng nâng tầm phát triển. Tất cả là cơ sở vững vàng để trong một tương lai gần, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như kế hoạch đã định vào năm 2020. Khi ấy, lại thêm một lần phải nhắc lại rằng, đó không còn là giấc mơ, mà là thực, rất thực.
Một thành phố được quy hoạch chuẩn, được các chuyên gia kiến trúc - đô thị trong ngoài nước đánh giá cao thì không có lý do gì để phá vỡ quy hoạch dưới bất cứ mục đích nào khác!
TRIỆU PHONG