Thật là nghịch lý!

Cập nhật: 04-04-2011 | 00:00:00

Ngày nào trên đường đến cơ quan, tôi cũng đi qua ngã tư Chợ Đình - đại lộ Bình Dương. Hễ gặp đèn đỏ, tôi dừng xe trước vạch kẻ ngang dành cho người đi bộ, mắt chăm chăm nhìn lên cột đèn đếm từng con số. Từ 40 giây..., 30 giây..., 10 giây rồi 3 giây..., 1 giây... có những lúc hốt hoảng, mất hồn khi nghe tiếng còi xe “toe toe” vang lên ngay phía sau gáy. Ai đó còn hét lên: “Đi thôi, làm gì mà ngẩn ngơ dữ vậy?”. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì lần lượt hàng chục xe ô tô, xe máy nhấn ga vượt qua mặt tôi. Đoàn xe chạy đến giữa ngã tư đường thì đèn xanh mới bật sáng.

Đến giờ về, quay trở lại đường cũ, cũng tới ngã tư, thấy đèn vàng bật sáng, tôi chầm chậm cho xe dừng lại. Ai ngờ vừa chạm thắng xe, tôi bỗng nghe đằng sau có tiếng cạch... thì ra có một xe tay ga từ phía sau ủi thẳng vào đuôi xe của tôi và giọng hét thật to: “Muốn chết hả, đang chạy sao dừng lại!”. Ngoái đầu nhìn lại rồi quay lên phía trước, dòng xe từ các làn đường sáp nhập vào nhau hỗn độn giữa ngã tư. À ra vậy! Một bên thấy đèn vàng tranh thủ phóng nhanh để kịp “né” đèn đỏ, còn một bên thì đèn chưa kịp chuyển sang xanh đã vội vàng “phóng” thành thử mới xảy ra tình trạng loạng choạng giữa ngã tư đường. Và cảnh sát giao thông đã ghi nhận không biết bao nhiêu trường hợp tai nạn xảy ra giữa ngã tư bởi kiểu đi đường vội vàng này.

Ai cũng biết luật lệ giao thông, ý nghĩa của các màu đèn tín hiệu giao thông là như thế nào. Thế nhưng, khi tham gia giao thông, họ bất chấp và coi việc không chấp hành theo tín hiệu giao thông là chuyện bình thường, trừ phi “lỡ” gặp cảnh sát giao thông “đành chịu”. Dù nửa phút họ cũng tìm cách để “vượt” đèn đỏ để “được” chạy nhanh hơn. Trong trường hợp này, nếu ai chấp hành nghiêm theo tín hiệu đèn đường thì bị coi là khùng, điên. Chính vì thế, nghịch lý đúng sai cứ tiếp diễn...

Trong cuộc sống hàng ngày, chuyện tương tự như vậy xảy ra rất nhiều, trong đó giao thông, môi trường ngày nay thường xảy ra những nghịch lý xem chừng đơn giản mà có lúc quá ra phức tạp. Chẳng hạn, trên đường phố hiện nay, thùng chứa rác được bố trí theo các vỉa hè. Cứ 4 mét là 1 thùng. Thế nhưng, sáng nào thức dậy cũng thấy vỉa hè đầy rác rưởi, những mẩu đồ ăn, thức uống thừa. Suy đi nghĩ lại, không phải ai cũng vứt rác ra đường, có người rất ý thức từ một mẩu giấy nhỏ cũng bỏ vào thùng rác để giữ vệ sinh chung. Tuy nhiên, trên thực tế, số đó không nhiều so với những người sẵn sàng vứt mọi thứ ra đường bất cứ lúc nào. Dường như họ chẳng bao giờ quan tâm tới sự hiện diện của những thùng rác, trong khi các anh chị công nhân vệ sinh cần mẫn nhặt từng cọng rác nhỏ trên đường.

Xã hội ngày càng phát triển. Chính vì lẽ đó, quy định của pháp luật ngày càng dễ dàng đến với người dân và cũng dễ dàng áp dụng trong cuộc sống bằng những quy tắc xử sự hàng ngày, nhưng điều đáng buồn là không phải ai cũng sẵn sàng thực hiện. Và khi thói hư tật xấu vẫn tiếp diễn và được chấp nhận thì những gì thuộc về chuẩn mực sẽ dần bị lu mờ. Thật là nghịch lý!

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên