(BDO) Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, tạo nền tảng vững chắc để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hướng đến một nền kinh tế hiện đại, phát triển bền vững.
Nền tảng vững vàng
Từ một tỉnh thuần nông, vượt qua bao khó khăn thử thách, Bình Dương đã vươn lên tốp đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người. Năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương đã đạt 7,13 triệu đồng người/tháng, đây cũng là mức thu nhập trung bình cao nhất cả nước cùng thời điểm. Điều này đồng nghĩa với việc việc bẫy thu nhập trung bình của Bình Dương sẽ đến sớm hơn các địa phương khác trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC thăm Công ty Takako Việt Nam (KCN VSIP I)
Theo các chuyên gia, mặc dù tỉnh đang có thu nhập bình quân đầu người ở tốp cao nhất cả nước nhưng những lợi thế cạnh tranh trước đây không còn. Ví dụ, trước đây Bình Dương đi đầu về phát triển công nghiệp thì nay cả nước hầu như tỉnh nào cũng đã có khu công nghiệp. Trước đây Bình Dương “trải chiếu hoa thu hút đầu tư” thì nay nhiều tỉnh cũng rất nỗ lực trong cải cách hành chính để thu hút đầu tư… Điều này có nghĩa bẫy thu nhập trung bình của Bình Dương đã xuất hiện, đòi hỏi tỉnh phải có những cách làm mới.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sau nhiều năm phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, tỉnh đã tính đến câu chuyện cần tiếp tục có những đột phá trong giai đoạn tiếp theo thông qua xây dựng Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Qua thời gian, Bình Dương đã nỗ lực xây dựng hệ sinh thái công nghiệp mới và môi trường đổi mới sáng tạo... để tăng năng suất lao động. Từ đó, tạo cơ sở vượt qua bẫy thu nhập trung bình và có nhiều tiện ích, các công trình an sinh xã hội giúp mọi người khi đến với Bình Dương đều được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Becamex IDC cho biết: “Bình Dương đã tạo dựng một nền tảng tốt cho sự phát triển các thời kỳ tiếp theo. Từ năm 2016, Bình Dương quyết tâm phải xây dựng thành phố thông minh, xây dựng hệ sinh thái mới, luôn luôn năng động, sáng tạo để vượt qua những thách thức đặt ra trong giai đoạn mới. Từ đó, Bình Dương xây dựng chiến lược 6 trụ cột để giải quyết từng khía cạnh, kế hoạch và mục tiêu quy hoạch lớn nhất giúp tỉnh bứt phá trong thời kỳ mới. Đặc biệt, để tránh bẫy năng suất thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, Bình Dương đã hiện thực hóa bằng những hành động, dự án cụ thể trong Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, nhấn mạnh vào 4 yếu tố trụ cột để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, đó là: Con người (lực lượng lao động và sáng tạo), công nghệ (nghiên cứu và phát triển), doanh nghiệp (doanh nghiệp và mối quan hệ với doanh nghiệp) và các yếu tố nền tảng (môi trường, chất lượng cuộc sống và cơ sở hạ tầng)”.
Bình Dương đã xây dựng Vùng Đổi mới sáng tạo với mô hình 5 lớp là quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, mỗi lớp đóng vai trò riêng nhưng có quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Mỗi lớp là định hướng cho một tập hợp các đề án có chủ đích nhằm giải quyết những thách thức của tỉnh theo từng chủ điểm, hòa chung lại theo 5 lớp sẽ tạo ra những tác động liên ngành, trên diện rộng, trực tiếp vào mọi mặt đời sống xã hội.
► Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương: Trên những bước tiến trong hành trình xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đang ở tư thế sẵn sàng cho cuộc chạy đua lên đỉnh cao phát triển mới từ nay đến năm 2030, với tầm nhìn đến 2050. Bình Dương sẽ là một trong những tỉnh đầu tiên cần phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, để tiếp tục là hình mẫu cho các địa phương khác, tạo động lực cho cả nước đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, hiện thực hóa khát vọng vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu. |
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Bình Dương thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn để sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực; tạo hiệu ứng kinh tế quy mô để tăng năng suất trong từng ngành, từng doanh nghiệp; đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhằm mở rộng sân chơi và nguồn lực cho những chủ thể kinh tế hiệu quả nhất trên thị trường theo tiến trình triển khai Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, để phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Bằng kinh nghiệm thành công trong nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp FDI, tạo ra lợi ích hàng triệu đô la, giảm thâm dụng lao động, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc sản xuất Công ty Takako Việt Nam cho rằng “Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng giúp đưa các sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường và tạo sự phát triển đột phá cho nền kinh tế, giúp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Từ đó, đóng góp quan trọng đối với các nền kinh tế quốc gia thông qua tăng trưởng GDP. Bình Dương không có một con đường nào khác hơn là tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển”.
Quay lại vấn đề tỉnh sẽ giải quyết như thế nào với số lượng lao động dôi dư ra trong việc giải quyết việc làm, tạo lập cuộc sống ổn định, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong Đề án Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương, tỉnh đang nỗ lực dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ theo hướng chất lượng cao. Qua đó, đào tạo, tạo ra những ngành nghề mới, tạo việc làm mới cho người lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, cùng tỉnh tiến lên trong hành trình phía trước.
► Giáo sư, tiến sĩ Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng: “Với quyết tâm tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, đặc biệt phấn đấu đưa Bình Dương trở thành Vùng Đổi mới sáng tạo, tỉnh cần kiên trì, quyết liệt triển khai Đề án Thành phố thông minh. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phần mềm nền tảng cho thành phố thông minh; xây dựng hệ thống ứng dụng thông minh trên các lĩnh vực hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, đa dạng hóa dịch vụ thông minh, giao thông thông minh, an ninh trật tự..., hướng tới lấy con người làm trung tâm để tiếp tục bứt phá phát triển”. |
TIỂU MY