Trường nghề “khát” học viên

Cập nhật: 15-08-2015 | 09:04:04

Chủ động chiêu sinh, liên kết với các doanh nghiệp (DN) nhằm tạo việc làm cho học viên (HV) sau khi tốt nghiệp, các trường trung cấp nghề ở Bình Dương đã và đang dốc lực vượt khó trong công tác tuyển sinh…, bởi sự ra đời của nhiều trường đại học, cao đẳng khác trên địa bàn…

 Với nhiều giải pháp hiệu quả, trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore thu hút được đông HV. Trong ảnh: HV đang học nghề điện tử. Ảnh: T.LÝ

Khó chiêu sinh…

Vài năm trở lại đây, thí sinh dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có nhiều cơ hội để lập thân lập nghiệp. Không thi đỗ vào trường theo nguyện vọng 1, thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng 2 với nhiều lời “mời chào” hấp dẫn của các trường đại học (chủ yếu là dân lập). Từ đó, các trường trung cấp nghề mất dần HV, dẫn đến thiết bị dạy học được đầu tư hàng trăm triệu phải đứng trước nguy cơ đóng cửa. Chẳng hạn, tại trường Trung cấp Nghề Bình Dương (TP. Thủ Dầu Một), mặc dù gần đến khai giảng năm học mới, nhưng chỉ tuyển sinh được gần 100 HV. Trong khi đó, nhà trường đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh từ 200 - 250 em cho năm học 2015-2016. Thu hút HV, đáp ứng nhu cầu học tập cho các em, nhà trường đã đầu tư đầy đủ phòng học văn hóa, phòng thực hành, thiết bị ứng dụng…; đồng thời lựa chọn các ngành nghề phù hợp với nhu cầu hiện nay nhưng vẫn phải “đỏ mắt” chờ HV đến đăng ký học.

Gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, trường Trung cấp Nghề Khu công nghiệp Bình Dương (TX.Dĩ An) đưa ra chỉ tiêu 300 em, nhưng mới tuyển sinh được 50 em. Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng trường cho biết, trường có 5 nghề đào tạo, gồm may thời trang, may công nghiệp, kế toán, điện, điện tử. Nguyên nhân thiếu HV hiện nay theo cô, là do các trường đại học dân lập cũng đang trong tình trạng “khát” sinh viên. Vì vậy, các trường này dùng mọi chiêu thức để thu hút người học, chỉ cần trên điểm sàn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với tâm lý “chuộng đại học”, việc lựa chọn học đại học thay vì vào trường nghề cũng là điều dễ hiểu, dù chất lượng đào tạo của trường đó còn nhiều vấn đề phải bàn.

Giải “bài toán” tuyển sinh học nghề, lãnh đạo các trường trung cấp nghề, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc định hướng, phân luồng học sinh (HS) sau THCS. Bên cạnh đó, UBND tỉnh nên có cơ chế, chính sách huy động giáo viên dạy nghề giỏi, công nhân có tay nghề cao, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư giỏi tham gia dạy nghề tại các trường; đồng thời tăng định mức chi cho HS học nghề; có chính sách hỗ trợ thêm cho HS học nghề, như miễn học phí hoàn toàn, hỗ trợ học bổng…

Đổi mới bằng phương thức liên kết

Trên thực tế, lãnh đạo của hầu hết các trường dạy nghề đều khẳng định, cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động sau khi học nghề là rất lớn vì các DN luôn “khát” nguồn nhân lực có tay nghề. Trong khi đó, kỹ sư tốt nghiệp đại học lại rơi vào tình trạng thất nghiệp khá nhiều do thiếu kỹ năng nghề. Thế nhưng vì nhiều lý do, HS vẫn không mặn mà với trường nghề, hoặc nếu có chọn thì đó cũng chỉ là điểm dừng chân tạm thời để tiếp tục thực hiện giấc mơ đại học. Một vấn đề cũng làm đau đầu đội ngũ lãnh đạo các trường nghề là tỷ lệ các HV đang theo học bỏ ngang khá cao.

Để từng bước nâng cao chất lượng dạy nghề, nhiều trường trung cấp nghề hay trường cao đẳng nghề đã tìm mọi giải pháp thích hợp, trong đó có việc liên kết với các DN đưa học viên đi thực tập, giới thiệu việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đơn cử như trường Trung cấp Nghề Việt - Hàn (TP.Thủ Dầu Một), theo thầy Lâm Bá Vinh, Phó Hiệu trưởng trường đến nay, trường đã liên kết được 10 DN để tạo việc làm cho HV. Mỗi đợt tốt nghiệp khóa học nghề, trường đều mời DN tham dự và tuyển dụng tại chỗ. Nhiều em đã có việc làm ngay, mức lương ổn định. Đó là cách tạo tên tuổi, uy tín để trường tiếp tục tuyển sinh vào những năm sau.

Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore (TX.Thuận An), lượng HV cũng thưa dần theo từng năm nên trường liên tục “update” những ngành nghề đang được xã hội ưa chuộng hoặc đang thiếu nhân công trầm trọng để tuyển sinh, đào tạo. Thậm chí, giáo viên của trường ngoài công tác chuyên môn còn phải gánh thêm nhiệm vụ… đi tìm HV thông qua các buổi tư vấn, tiếp xúc với HS các trường THCS, THPT trong và ngoài tỉnh. Trường còn tuyên truyền thông tin tuyển sinh trên các phương tiện truyền thông; tư vấn chọn nghề khi các em đến mua hồ sơ tuyển sinh. Sau khi các em học xong, trường tạo điều kiện cho các em đăng ký việc làm, liên hệ với 20 DN tuyển dụng HV sắp tốt nghiệp. Kết quả, sau nhiều năm, hàng trăm HV của trường đã được DN tuyển dụng với mức lương cao, cuộc sống ổn định.

Ông Phạm Văn Tuyên, Trưởng phòng Dạy nghề của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, do tâm lý chung của các bậc phụ huynh, HS muốn làm “thầy hơn làm thợ”, dù học đại học ở một trường không danh tiếng để ra làm thầy còn hơn học nghề để làm thợ. Chính sự ảo tưởng về cái “mác đại học” đã vô tình giúp cho những trường đại học dù trong tình trạng “thiếu đủ thứ” (giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị…) vẫn có thể tồn tại. Còn trường nghề, dù được trang bị đầy đủ ngày càng thưa vắng HV. Do đó, để thay đổi nhận thức của người dân, công tác tuyên truyền phải lâu dài. Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, các trường nghề cần chủ động hơn trong việc liên kết với các trang web giới thiệu việc làm; gắn kết với các DN trên địa bàn tỉnh, vừa tạo việc làm cho HV sau đào tạo, vừa tranh thủ sự hỗ trợ của DN cho nhà trường, HV… Có như vậy, việc thu hút HV học nghề mới có thể được cải thiện.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1526
Quay lên trên